Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Trên hành trình tìm về những tọa độ lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Hà Tĩnh, chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc. Nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh nên đây là “yết hầu” giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà con đường độc đạo này trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch.
Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Hàng ngàn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương đã không quản hiểm nguy luôn bám trụ làm nhiệm vụ để đảm bảo thông tuyến cho xe đi qua, tất cả vì tiền tuyến thân yêu, vì miền Nam ruột thịt.
Trên chiến trường khốc liệt hàng trăm người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Tiêu biểu là 10 nữ thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến. Máu đào của các chị đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
Đồng Lộc hôm nay là vùng quê trù phú, tràn đầy sức sống. Ngã ba khói lửa năm xưa giờ được tôn tạo, xây dựng khang trang với các quần thể như: Tượng đài chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngành Giao thông Vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh, Tháp chuông - Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, đồi La Thị Tám (núi Mòi)…
Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, không thể không nhắc đến di tích Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Chỉ huy Sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 và Đoàn 500. Đây là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.
Từ giai đoạn 1966-1970, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam.
Với lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, người dân Hương Đô đã nhường 20 ngôi nhà cùng hàng chục ha vườn để bộ đội xây dựng cơ sở phục vụ tác chiến như: Nhà Sở Chỉ huy, hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ; bộ phận hậu cần; bộ phận thông tin liên lạc... Đường làng, ngõ xóm, đình, nhà thờ họ, nhà dân đều trở thành nơi chứa hàng hóa, lương thực, thực phẩm của Nhà nước và quân đội. Nhân dân Hương Đô với tinh thần cách mạng cao độ đã che chở, bao bọc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn.
50 năm chiến tranh đã qua đi, xã Hương Đô - nơi đặt Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Chỉ huy Sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 và Đoàn 500 đã không ngừng thay da, đổi thịt. Chỉ huy Sở năm xưa được bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ như một chứng tích cho sự đoàn kết, dũng cảm, hết lòng vì tiền tuyến của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Trên hành trình tìm về các tọa độ lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cũng đã đến với di tích Sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ. Ít ai biết rằng, nằm giữa lòng hồ Kẻ Gỗ lại có một sân bay dã chiến phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Phan Trâm.
Trong thời gian từ đầu năm 1971, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành, trở thành một huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, vào đêm 7/1/1973, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi. Sân bay Libi chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị đánh phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom đạn, khiến nhiều bộ đội hy sinh. Ảnh: Phan Trâm.
Năm 1976, khi hòa bình lập lại, hồ Kẻ Gỗ được xây dựng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Công trình hoàn thành và tích nước cũng là lúc chiến trường xưa chìm dưới lòng hồ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, sân bay Libi lặng lẽ nằm yên dưới lòng hồ thế nhưng những dấu tích in hằn một thời oanh liệt của lịch sử vẫn còn đó. Những câu chuyện về quá trình xây dựng sân bay, trận bom ác liệt đã diễn ra và cả những chiến công, hy sinh, mất mát của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương vẫn còn mãi. Ảnh: Văn Đức.
Để tri ân các anh hùng liệt sỹ, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance phối hợp với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sỹ ở hồ Kẻ Gỗ. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng, xây dựng trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng Miếu thờ liệt sĩ lòng hồ Kẻ Gỗ trước đó và mở rộng với tổng diện tích khoảng 5.000m2; khởi công ngày 18/7/2022, khánh thành giai đoạn 1 vào 27/8/2023. Ảnh: Phan Trâm.
Sáng 28/4/2025, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance (Hà Nội) tổ chức lễ công bố khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Ảnh: Phan Trâm.
Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Sân bay dã chiến Libi, núi Nài cũng là một chứng tích cho sự anh dũng, kiên cường của quân và dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với vị trí chiến lược, xung yếu trên tuyến giao thông huyết mạch của cả nước nên núi Nài được lựa chọn là nơi đặt trạm Rada. Trạm Rada góp phần quan trọng trong việc bảo vệ thị xã cũng như bảo đảm huyết mạch giao thông của hậu phương ra tiền tuyến. Vì vậy, nơi đây cũng trở thành mục tiêu quan trọng mà địch thường xuyên chú ý và tìm cách xoá bỏ. Ảnh tư liệu.
Quyết tâm bảo vệ bằng được Trạm Rada núi Nài để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang và bảo đảm giữ vững tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Ngày 26/3/1965, đế quốc Mỹ đã huy động 26 chiếc máy bay chiến đấu thi nhau lao xuống bắn phá xối xả núi Nài và khu vực xung quanh. Quân và dân Hà Tĩnh, đặc biệt là Đại đội pháo 27 pháo cao xạ đã giao tranh quyết liệt với quân thù và bắn rơi 9 máy bay Mỹ.
Chiến tranh đã lùi xa, núi Nài giờ đây được bao phủ một màu xanh bạt ngàn giữa lòng đô thị đang không ngừng vươn mình. Nằm dưới chân núi là Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài, nơi an nghỉ của hơn 1.300 liệt sỹ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự đoàn kết, đồng lòng, quân dân như một là yếu tố then chốt đưa đất nước thống nhất. Làng K130 là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, tất cả vì tiền tuyến, xe chưa qua, nhà không tiếc. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội (nay là Làng K130, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) gần 19.000 quả bom, 1.522 quả rốc-két, làm 57 người chết, 151 người bị thương.
Vượt lên bao đau thương, mất mát của chiến tranh, Nhân dân làng Hạ Lội vẫn kiên cường bám trụ. Vào những tháng cuối năm 1968, máy bay địch bắn phá ác liệt, đường 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị phá hủy hoàn toàn. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A đoạn từ Cổ Ngựa đến cầu Già và làng Hạ Lội là nơi cần phải mở đường.
Đêm 13/8/1968, Nhân dân làng Hạ Lội được sự giúp đỡ của lực lượng dân quân đã tự nguyện dời dọn nhà cửa của mình để mở đường thông xe. Nhân dân tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Khi công việc hoàn thành và chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe 130 chiếc chở xăng, lương thực, đạn dược đã chuyển bánh trên đường và xuống phà qua sông an toàn trong sự vui mừng, xúc động của quân và dân. Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Nhân dân trong một đêm dời dọn 130 nóc nhà làm đường xế cho 130 chiếc xe chở hàng ra tiền tuyến, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đặt tên làng Hạ Lội là Làng K130, chiến dịch vận chuyển này là chiến dịch K130.
Ngày 29/5/2006, Làng K130 được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Ngày nay, Làng K130 đã đổi thay từng ngày, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, những mái ngói đỏ tươi nhô mình trong nắng mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần tiếp thêm truyền thống lịch sử anh dũng, kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước.
Video: Thăm các tọa độ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Hà Tĩnh.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói