Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

(Baohatinh.vn) - Đi qua nửa chặng đường của năm 2023, lĩnh vực xuất khẩu là “điểm sáng” của ngành công thương Hà Tĩnh với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,33 tỷ USD, hoàn thành hơn 65% mục tiêu của năm.

Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

Bà Hoàng Thị Quý có gần 20 năm làm việc tại Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh.

Thời điểm này, hơn 270 lao động của Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh đang miệt mài làm việc để đáp ứng sản phẩm cho đơn hàng may mặc xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 7 tới đây.

Bà Hoàng Thị Quý (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Từ năm ngoái tới nay, nhiều doanh nghiệp may mặc ở miền Nam gặp khó, công nhân phải nghỉ việc nhưng ở đây, việc làm cho lao động vẫn đảm bảo. Nhiều thời điểm chúng tôi còn phải tăng ca làm thêm chủ nhật mới đáp ứng tiến độ đơn hàng. Thời gian làm việc ngày nghỉ được tính lương 200%, hơn nữa nếu đạt doanh số cao còn có thêm tiền chuyên cần nên ai cũng phấn khởi”.

Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phạm Đình Nhân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Đều đặn mỗi tháng, công ty xuất khẩu 3 container với gần 50.000 sản phẩm. 6 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu hơn 280.000 sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 24 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả này, công ty luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, giảm tỷ lệ sản phẩm hư hỏng, có các chế độ đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm làm việc. Đến nay, công ty cũng đã ký kết đơn hàng với đối tác đến tháng 10/2023. Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển thêm 80 - 100 lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng, tuy nhiên việc tuyển dụng hết sức khó khăn”.

Theo ông Nhân, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trên cả nước vẫn phải đối diện với khó khăn do đơn hàng đi thị trường châu Âu giảm mạnh. Trong khi đó, những doanh nghiệp xuất đi thị trường Nhật Bản thì đơn hàng vẫn cơ bản ổn định nên không bị quá nhiều tác động.

Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

Xuất khẩu chè đạt trong 6 tháng đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc trong 6 tháng đầu năm tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như chè tăng 67%, thép và phôi thép tăng hơn 34%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh đạt khá.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt hơn 1,33 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vẫn là sản phẩm thép và phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đây cũng là mặt hàng đạt mức tăng cao trong 6 tháng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,23 tỷ USD”.

Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ những tháng đầu năm giảm do nhu cầu thị trường và giá dăm giảm mạnh.

Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng tích cực thì vẫn có những nhóm hàng xuất khẩu đang hết sức khó khăn. Trong đó, 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm là dăm gỗ (giảm 42%); thủy sản (giảm 17%); xơ, sợi dệt (giảm 40%).

Theo phân tích, mặt hàng dăm gỗ những tháng đầu năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu thấp so với cùng kỳ do giá dăm gỗ giảm mạnh và nhu cầu từ thị trường đối tác giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu xơ, sợi dệt đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ năm 2022 tới nay.

Riêng với ngành thủy sản, không chỉ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu khắt khe hơn, đơn hàng giảm mà còn chịu ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu khan hiếm và tăng giá. Đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết, những tháng tới sẽ tập trung vào việc nắm bắt tình hình thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi và tìm những hướng đi mới phù hợp.

Xuất khẩu Hà Tĩnh nỗ lực “cán đích” 2 tỷ USD

Thép và phôi thép là mặt hàng chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2023, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu Hà Tĩnh đề ra là 2 tỷ USD. Dù còn chịu ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, song với hơn 1,33 tỷ USD đã đạt được trong nửa đầu năm, đây sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến xuất khẩu; tuyên truyền để cán bộ công chức, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; kịp thời cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Tỉnh và ngành công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, góp phần đa dạng sản phẩm của tỉnh.

Dự báo, một số ngành hàng xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải nỗ lực hơn để nắm bắt cơ hội từ thị trường, tổ chức tốt và đáp ứng năng lực sản xuất kinh doanh.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.