Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Nam Tiến, xã Nam Phúc Thăng) kiểm tra bờ ruộng để tránh thất thoát nước
Thời điểm này, trên các cánh đồng toàn tỉnh, bà con nông dân đang tận dụng tối đa những ngày nắng đẹp để ra đồng chăm bón, lấy nước vào ruộng. Tại xã Nam Phúc Thăng - địa phương có diện tích lúa xuân lớn nhất huyện Cẩm Xuyên (hơn 1.000 ha), các trà lúa đang vào kỳ đẻ nhánh, sinh trưởng khá tốt. Hiện nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành công đoạn bón thúc, bắt đầu tập trung cao cho phòng trừ sâu bệnh.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Nam Tiến, xã Nam Phúc Thăng) cho biết: “Mấy hôm nay ruộng bắt đầu có dấu hiệu cạn nước nên tôi cũng theo dõi, lấy bổ sung, vùng cao cạn phải dùng máy bơm tăng bo để đất nhanh thấm hết phân bón của đợt bón thúc vừa qua. Đợt này, qua kiểm tra, chuột phá hoại lúa tương đối nhiều, có nơi bị cắn trụi lá, bà con đang có kế hoạch đặt bẫy xử lý".
Giai đoạn này cây lúa phát triển mạnh về thân lá, được cung cấp dưỡng chất từ đợt bón thúc
Hiện nay, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số loại giống chủ yếu như: P6, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20… phân bố ở các địa phương là Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân. Vì thế, nông dân dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cũng đã chủ động phun phòng trừ để khoanh vùng dịch trong diện hẹp.
Chị Phan Thị Hường (thôn Trường Vĩnh, xã Đan Trường, Nghi Xuân) chia sẻ: “Sau khi phát hiện lúa của hộ bên cạnh bị nhiễm đạo ôn lá ở mức nhẹ, các ruộng xung quanh đã đồng loạt phun phòng trừ, tuy nhiên do sáng sớm sương mù dày đặc lại nằm ở vùng không chủ động nguồn nước nên chắc gia đình phải tiến hành phun lại lần 2”.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn lá tại huyện Nghi Xuân.
Theo chị Nguyễn Thị Đông - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đan Trường (Nghi Xuân), bệnh đạo ôn lá đã phát sinh trên một số diện tích lúa của xã. Mặc dù tỷ lệ nhiễm còn thấp song xã đã khuyến cáo và hướng dẫn bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ sớm nhằm giảm nguy cơ lây lan ra diện rộng trong những ngày tới.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, bệnh đạo ôn mới xuất hiện ở diện hẹp, ảnh hưởng chưa nhiều. Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 3, thời tiết vẫn còn duy trì hình thái âm u, độ ẩm cao, trong khi, giai đoạn này cây lúa phát triển mạnh về thân lá, được cung cấp dưỡng chất từ đợt bón thúc đang tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại trên diện rộng, cục bộ một số diện tích có thể xuất hiện “cháy”. Đặc biệt, các giống mẫn cảm: P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, BQ, Thiên ưu 8,... luôn trong nhóm nguy cơ cao.
Bà con nông dân tại các vựa lạc lớn trên toàn tỉnh ra đồng chăm sóc lạc xuân.
Ngoài việc chăm sóc, phòng bệnh cho lúa xuân, hiện nay, tại các vựa lạc lớn trên toàn tỉnh như Lộc Hà, Hương Khê, Nghi Xuân…, cây đã phát triển ở giai đoạn từ 2 - 5 lá nên bà con nông dân đang tập trung tỉa thưa hoặc trỉa dặm để đảm bảo mật độ, nhổ cỏ, xới gốc và bón thúc.
Ngay từ sáng sớm, chị Trần Thị Hạnh (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) đã ra đồng để làm cỏ lạc, chăm bón cây. Chị Hạnh chia sẻ: “8 sào lạc của gia đình đang phát triển tốt, lên được 5 lá, bộ rễ đã bắt đầu phát triển. Rất may thời tiết từ tháng 2 đến nay tương đối thuận lợi nên mình không phải trỉa lại lần nào, cây lạc khỏe mạnh”.
Hiện nay, cây lạc đã phát triển ở giai đoạn từ 2 - 5 lá
Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu bệnh để đôn đốc, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên cây trồng, nhất là một số bệnh thường gặp, như: sâu khoang, lở cổ rễ, đốm mắt cua, sâu cuốn lá, thối mốc gốc đen và trắng. Đồng thời khuyến cáo nông dân thường xuyên triển khai các biện pháp diệt chuột để bảo vệ cây trồng sinh trưởng, phát triển.
Ngoài ra, bà con nông dân cũng chủ động làm cỏ, bón phân, lên luống, vùn gốc cho hơn 5.200 ha ngô, hơn 1.000 ha khoai và gần 4.200 ha rau vụ xuân đã xuống giống, đang phát triển tốt.
Đối với cây lúa, các địa phương cần làm tốt công tác điều tra, phát hiện đối tượng dịch hại để phòng trừ kịp thời. Riêng với bệnh đạo ôn lá, từ nay đến cuối tháng 3 là cao điểm phát sinh của dịch hại, cần liên tục kiểm tra, khoanh vùng, xử lý bệnh trong diện hẹp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bà con cũng cần tích cực thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm dịch bệnh nhằm chủ động phun phòng trừ.
Các diện tích lạc, đậu, ngô, khoai, rau vụ xuân cũng đang vào giai đoạn phát triển mạnh về bộ lá, thân rễ nên bà con cần chú ý chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chủ yếu là sâu đục thân, đốm lá ở cây ngô, sâu xám, sâu khoang, rệp, sâu cuốn lá ở lạc…