Cuộc gặp gỡ xúc động của hai cha con người lính Hà Tĩnh trên chiến trường Quảng Trị

(Baohatinh.vn) - Trong những ký ức đẹp đẽ về cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cựu chiến binh xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn nhớ câu chuyện xúc động về cuộc gặp gỡ giữa Đại úy Trần Công Chương và bố ông - Thiếu tá Trần Công Tính tại chiến trường Quảng Trị năm 1968.

Cựu chiến binh Trần Công Chương bình dị giữa cuộc sống đời thường.

Đã 46 năm đất nước thống nhất nhưng mỗi dịp tháng tư về, những cựu chiến binh vẫn bồi hồi ôn lại ký ức của những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”. Đan xen trong hồi ức về những trận đánh ác liệt là những kỷ niệm đầy sâu lắng.

Ông Trần Công Chương (SN 1949) kể: “Khi tôi lớn lên thì bố tôi đã xông pha trên nhiều chiến trường. Tuổi thơ của tôi gắn liền với câu nói của ông bà nội “bao giờ hết giặc, bố con sẽ về”. Vì thế, từ nhỏ, tôi đã nung nấu ước mơ lớn lên sẽ ra trận đánh giặc để sớm được gặp bố”.

Năm 1967, đúng 18 tuổi, ông Chương xung phong lên đường nhập ngũ. Ông trở thành lính pháo binh, thuộc Trung đoàn 45, Sư đoàn 351, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).

Ông Chương cùng các cựu chiến binh xã Đức Lạng ôn lại kỷ niệm về cuộc gặp giữa hai bố con trên chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1968.

Thời gian ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt. Ông Chương ra trận bằng lòng yêu nước, với tinh thần là con trai của một người lính. Ông không biết bố ông chiến đấu ở đâu nhưng ông luôn tâm niệm phải luôn khiến bố tự hào về mình. Bởi thế, ông chiến đấu rất ngoan cường, cùng đồng đội lập nhiều chiến công.

Nhờ anh dũng trong chiến đấu, tháng 3/1968 (chỉ sau 8 tháng nhập ngũ), ông Trần Công Chương vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch Khe Sanh (tháng 4 - 7/1968) chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Trần Công Chương (trái) và bố mình là Trần Công Tính tại chiến trường Quảng Trị năm 1968. Ảnh tư liệu NVCC

Một ngày tháng 4/1968, lúc đơn vị ông Chương vừa trải qua một trận đánh, khi người vẫn còn bê bết bùn đất, mặt sạm đen vì khói súng, ông được cán bộ chỉ huy đơn vị gọi lên và bảo “đồng chí có người nhà muốn gặp”. Quá đỗi ngạc nhiên, gặng hỏi mãi mới được tiết lộ đó là người bố bao nhiêu năm qua ông chưa được gặp.

“Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ mình có thể gặp được bố ngay trên chiến trường. Tôi đã sững lại trong giây lát khi tiếp nhận thông tin nhưng rồi tất cả niềm mong nhớ như vỡ oà. Với tôi đây là câu chuyện cổ tích. Tôi đã mong ước được gặp bố bao nhiêu. Tôi đã mơ gặp ông không biết bao lần. Thế rồi, tôi đã chạy đi như bay trên con đường rừng. Hơn nửa ngày trời mới đến được nơi bố chờ tôi. Bấy giờ, tôi mới biết bố mình giờ đã là Chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1 - một trong những chỉ huy cấp cao trong đơn vị" - ông Trần Công Chương nhớ lại.

Cuộc gặp bất ngờ giữa ông Chương và bố kỳ thực là do sự sắp xếp của 2 đơn vị nhằm khích lệ, động viên cán bộ, chiến sỹ trước lúc diễn ra trận đánh lớn.

Ông Chương kể: “Cuộc gặp của 2 bố con tôi diễn ra trên đài quan sát của phía quân ta. Lúc đó, qua đài quan sát có thể nhìn thấy quân địch phía bên kia ngọn đồi. Thời gian không có nhiều, trước sự bối rối của tôi, bố nhìn tôi khẽ cười hài lòng rồi ôm chặt lấy tôi, vỗ vai như một đồng đội. Tôi xúc động nhưng cũng cố kìm nén vì xung quanh còn nhiều người khác.

Sau này, tôi mới biết, một cán bộ trong ban tuyên huấn của đơn vị bố đã phát hiện ra tôi khi ban chỉ huy của hai đơn vị làm việc, chuẩn bị cho một nhiệm vụ mới. Đơn vị pháo binh của tôi và đơn vị bộ binh của bố sẽ phối hợp trong trận đánh giành lại cao điểm 845, khu vực gần sân bay Tà Cơn, đường 9.

Bây giờ, khi đã về lại bình yên giữa quê nhà nhưng ông Chương vẫn luôn nhớ về miền đất Khe Sanh - nơi đã viết lên nhật ký cuộc đời ông những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ và ý nghĩa.

Sau cuộc gặp, thông tin về việc 2 bố con cùng một chiến hào đã lan truyền đến tất cả cán bộ, chiến sỹ 2 đơn vị, tạo nên sự cổ vũ, khích lệ tinh thần đoàn kết, động lực chiến đấu trong toàn quân.

Trận đánh giành cao điểm 845 dưới sự kết hợp của Sư đoàn Pháo binh 351 và Sư đoàn Bộ binh 308 đã giành thắng lợi. Đó cũng là một trong những trận đánh quan trọng góp phần giúp Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968.

Tháng 7/1970, ông Chương được cử đi học tại Trường Sỹ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội). Tháng 11/1974, ông được bổ sung vào Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, tham gia Binh đoàn Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuột; sau đó tham gia giải phóng Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, đơn vị ông trực tiếp đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền. Cuộc chiến giành thắng lợi góp phần cùng nhiều đơn vị khác lật đổ hoàn toàn chế độ của Ngô Đình Diệm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vợ chồng ông Trần Công Chương hưởng thú vui an nhàn tuổi già bên nhau.

“Tôi luôn cảm thấy tự hào khi được cùng bố chiến đấu trên một mặt trận. Và tôi luôn thầm cảm ơn về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa 2 bố con. Chính cuộc gặp gỡ ấy đã tiếp thêm sức mạnh để tôi chiến đấu mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Trong đó, trận chiến đáng nhớ nhất là tôi đã cùng đồng đội trong Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh tan quân địch ở sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền, góp phần cùng toàn quân giải phóng Sài Sòn, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975)” - ông Trần Công Chương tâm sự.

Quân ta tấn công sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Khi đất nước thống nhất, cụ Trần Công Tính về hưu, còn ông Trần Công Chương tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia giành lại hòa bình, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1989, khi về nghỉ hưu, ông Chương mới gặp lại bố mình.

Sau khi về hưu, cả hai bố con Thiếu tá Trần Công Tính và Đại úy Trần Công Chương đều tích cực tham gia công tác xã hội. Ông Trần Công Tính (thương binh hạng 1/4) từng là Chủ tịch Hội CCB xã Đức Lạng nhiều năm; còn ông Trần Công Chương (thương binh hạng 4/4) đảm nhận nhiều vai trò như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tiến Lạng (Đức Lạng) nhiều nhiệm kỳ. Ông Tính vừa mất vào tháng 12/2020.

Chủ tịch Hội CCB xã Đức Lạng Trần Anh Tú nhận xét: “Cụ Trần Công Tính và ông Trần Công Chương không chỉ đã viết lên câu chuyện đặc biệt về hai bố con cùng chiến đấu trên một chiến trường mà họ còn là những cựu chiến binh gương mẫu trong thời bình. Cả hai bố con là tấm gương sáng luôn phát huy những phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường”.

Khi tôi viết những dòng này, bạn bè tôi cũng đang xôn xao đón chờ ngày lễ 30/4. Những câu chuyện xúc động mà tôi đã may mắn được biết, được kể lại đã bồi đắp thêm trong tâm tư chúng tôi lòng biết ơn sâu sắc về một thế hệ đã dâng trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Và những người như ông Chương, tuy thật bình dị khi trở về giữa đời thường nhưng ở họ luôn âm ỉ một ngọn lửa hồng, để những ai đến gần đều cảm thấy ấm áp, đều cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói