Anh Lê Văn Thanh giới thiệu giống cam mới cùng cán bộ xã Kỳ Sơn.
Đó là thương binh Lê Văn Thanh (SN 1962), quê ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh. Năm 1983, anh Thanh lên đường nhập ngũ, biên chế vào đơn vị C2D3 Đoàn 7701, thuộc Quân khu 7, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1985, anh Thanh bị thương ở đầu, với thương tật hạng 1/4. Tổn thương ở đầu cũng khiến đôi mắt anh mờ dần.
Sau một thời gian điều trị tại các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 1987, thương binh Lê Văn Thanh được chuyển ra an dưỡng tại Nghệ An. Thời gian này, anh đã quen biết và nên duyên vợ chồng với chị Phan Thị Nguyệt. Năm 1990, khi thị lực được phục hồi, anh Thanh chính thức được về địa phương.
Một góc vườn cam gần 4 năm tuổi của thương binh Lê Văn Thanh.
Là một thương binh nặng, nhưng với bản chất bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ngay khi về sống ổn định ở quê, vợ chồng anh đã bắt tay ngay vào tổ chức phát triển kinh tế gia đình. Mạnh dạn vay vốn kinh doanh hàng tạp hóa; mua sắm ô tô để kinh doanh vận tải; sắm máy đào đất làm công trình…, ở lĩnh vực nào, vợ chồng anh cũng nỗ lực hết sức và đã thu được kết quả.
Luôn ấp ủ khát vọng chinh phục thử thách mới, năm 2014, cơ hội đến khi có người bạn quân ngũ ở xã Kỳ Sơn chuyển nhượng gần 10 ha đất rừng làm trang trại. Bán toàn bộ máy móc, phương tiện, giao cơ ngơi, nhà cửa ở phường Sông Trí cho vợ quản lý, một mình anh ngược ngàn lên với rừng để làm kinh tế trang trại.
Một trong hai con đập trữ nước tưới của anh Thanh
Bắt tay cải tạo đất đai, anh thuê người chặt bỏ hết keo tràm, cây tạp, kể cả những cây ăn quả đã lâu năm như cam, bưởi...; triển khai quy hoạch thành các vùng riêng biệt. Tận dụng các con lạch trũng dưới các khu đồi, anh đắp đập trữ nước. Ngay trên đỉnh đồi, anh xây bể xi măng chứa nước với dung tích hàng trăm khối để bơm nước lên tưới cho cây qua hệ thống ống tưới nhỏ giọt tỏa về các khu đồi…
Thế nhưng, làm trang trại không dễ, do chưa có kinh nghiệm, sau khi mua 1.000 gốc cam giống ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) về trồng, chỉ chưa đầy một năm, anh Thanh đã phải thuê người chặt bỏ do không đảm bảo chất lượng.
Bể nước tưới hàng trăm khối nước được xây trên đỉnh đồi để dẫn nước về 100% diện tích vườn
“Bao nhiêu công sức, tiền của “đội nón ra đi” coi như là bài học kinh nghiệm đầu tiên để tôi tiếp tục đứng dậy và kiên trì với mục tiêu của mình”, anh Thanh bày tỏ.
Dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi cơ sở cung ứng giống uy tín, vay mượn thêm tiền, năm 2016, anh Thanh mua trên 2.100 gốc cam Xã Đoài, 1.000 gốc cam V2; 200 cây bưởi Diễn, 700 cây giống bưởi Phúc Trạch và 500 gốc quýt bản địa về thuê nhân công trồng trên các diện tích đất đã quy hoạch, cải tạo.
Dường như trời vẫn chưa hết thử thách sự kiên nhẫn của người thương binh hạng 1/4, khi cây trồng đang vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển, thì cơn bão lịch sử số 10 (2017) đã làm hư hại 100% diện tích.
Hệ thống tưới được anh Thanh đầu tư hàng trăm triệu đồng dẫn nước về từng gốc cây.
“Nhìn cảnh tan hoang, đổ nát chỉ sau một ngày đêm mà chỉ biết khóc, không dám tin vào sự thật. Vẫn còn may là hầu hết thân cây chưa cao nên không nhiều cây bị bật gốc, phần lớn chỉ bị gió bão vặt trụi lá…”, anh Thanh cho biết.
Lại một lần nữa, anh động viên vợ chịu khó làm lại. Sau hàng tháng trời cùng anh em công nhân vật lộn khôi phục lại trang trại từ đổ nát với chi phí hàng tỷ đồng, khu trang trại đã được trả lại màu xanh.
Sau hơn 3 năm kể từ khi khôi phục lại sau bão, trang trại của thương binh Lê Văn Thanh đã bắt đầu cho thu hoạch. Vụ thu hoạch năm nay, mặc dù chỉ để trên mỗi cây một số quả “bói” nhưng cam và bưởi của gia đình anh cũng đã cho trên dưới 5 tấn quả, tính sơ sơ cũng đã có thu nhập trên 100 triệu đồng.
“Ước tính vụ tới có thể thu khoảng 20 tấn cam và trên 500 quả bưởi Diễn, với tổng thu nhập khoảng trên 1 tỷ đồng và sẽ tăng thêm theo từng năm”, anh Thanh khẳng định.
200 cây bưởi Diễn của anh Thanh cũng đang cho thu hoạch lứa chính đầu tiên với hiệu quả rất khả quan
Cùng với cây ăn quả, trang trại anh Thanh còn có hàng chục con bò, hàng trăm con chim bồ câu và gia cầm các loại; tổng thu nhập bước đầu đạt trên 200 triệu đồng.
Hiện tại, trang trại luôn duy trì 2 công nhân là những người bạn chiến đấu của anh với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn hợp đồng thời vụ từ 20 - 30 lao động những khi cao điểm.
Cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao niềm say mê, sự quyết tâm và nghị lực phi thường của thương binh Lê Văn Thanh. Thành công của mô hình kinh tế quy mô lớn này không chỉ giúp anh Thanh phát triển kinh tế gia đình mà còn là địa chỉ tin cậy để người dân xã nhà tham quan, học tập, góp phần lan tỏa phong trào làm giàu từ phát triển kinh tế vườn rừng, vốn là thế mạnh của xã vùng thượng Kỳ Sơn.