Người dân thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây đầu tư hệ thống tưới chè tự động
60 hộ dân trồng chè ở thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây đã bỏ ra 700 triệu đồng đầu tư máy nổ, lắp đặt đường ống dẫn nước và hệ thống tưới tự động bằng béc xoay 360 độ để chống hạn cho chè.
Ông Nguyễn Sĩ Hùng - Trưởng thôn Trung Lưu chia sẻ: Chè là cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao đối với vùng đất khô cằn này. Toàn thôn có 25 ha chè, mỗi năm thu hoạch từ 15 - 20 tấn/ha, trị giá khoảng 200 triệu đồng.
Thay cho phương pháp thủ công như trước, giờ đây chè được tưới bằng béc xoay 360 độ
Ông Hùng cho biết, việc tưới nước cho chè vào những tháng khô hạn gặp rất nhiều khó khăn. Còn nhớ vào mùa nắng hạn những năm 2018, 2019, nhiều diện tích chè bị cháy héo. Hằng đêm, thôn phải huy động hàng chục hộ dân xách từng can nước từ sông Ngàn Phố lên để “cứu” cây chè nhưng vẫn không trách khỏi thiệt hại.
Từ thực tế này, 60 hộ dân trồng chè ở thôn Trung Lưu đã mạnh dạn bỏ tiều đầu tư hệ thống tưới chè tự động. Việc ứng dụng hệ thống tưới này rất hiệu quả, cây chè sinh trưởng và phát triển tốt hơn nhiều so với tưới thủ công trước đây, đặc biệt là giảm được rất nhiều nhân lực, công sức và không còn lo chè cháy héo vào mùa nắng nóng” – ông Hùng nói.
Nhiều diện tích chè được tưới trong thời gian ngắn, đảm bảo năng suất, sản lượng trong mùa khô
Thay đổi tư duy, mở hướng đi mới, 27 hộ dân trồng chè các thôn 5, 6 - xã Sơn Lĩnh cũng đã bỏ ra gần 400 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước tự động để tưới cho 12 ha chè nguyên liệu.
Ông Lê Đức Thọ - chủ vườn chè ở thôn 6, xã Sơn Lĩnh cho hay, chè là cây trồng để lấy búp, lá nên rất cần nước. Vài năm trở lại đây, hạn hán nặng, chè sinh trưởng phát triển kém, làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Hiện, tôi bỏ ra hơn 12 triệu đồng cùng với các hộ dân đầu tư hệ thống tưới béc xoay 360 độ nhằm đảm bảo đủ nước cho cây chè vào mùa khô hạn.
Lắp đặt hệ thống tưới chè tự động nhằm giảm nhân công lao động...
Sau 3 tháng lắp đặt, hệ thống tưới nước tự động ở các xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh bắt đầu đưa vào sử dụng. Hàng trăm chiếc béc phun tưới với góc quay 360 độ, mỗi béc có thể tưới với đường kính 35 – 40m. Chỉ cần một người vận hành máy bơm là cả vùng chè hàng chục ha được tưới đều.
"Việc đầu tư hệ thống bơm tưới này không chỉ giảm công lao động cho người dân nơi đây mà còn giải quyết bài toán về khô hạn, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân” – ông Nguyễn Chí Tâm – chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn khẳng định.
... và nâng cao năng suất, sản lượng chè búp tươi cho các hộ dân
Theo bà Uông Thị Kim Yến – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, toàn huyện hiện có gần 600 ha chè nguyên liệu, tập trung tại các xã Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Lâm... 6 tháng đầu năm, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt hơn 5.400 tấn, trị giá trên 5,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.154 lao động.
“Những mô hình tưới chè bằng “béc xoay 360 độ” tự động sẽ hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra, đồng thời nâng cao năng suất, sản lượng, phát triển cây chè bền vững, giúp người trồng chè Hương Sơn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống” - bà Uông Thị Kim Yến nhận định.