Năm 2022, huyện Đức Thọ đã thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn trên diện tích 200 ha, tập trung ở các xã: Lâm Trung Thủy (100 ha), Thanh Bình Thịnh (70 ha), Trường Sơn (30 ha). Vụ xuân 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện ở các xã: Yên Hồ, Tân Dân, An Dũng và Liên Minh với diện tích 200 ha. Trong đó, Yên Hồ là địa phương đầu tiên ra quân thực hiện.
Từ ngày 5/11, trên các xứ đồng của thôn Quy Vượng, bà con nông dân đã tiến hành phá bờ thửa nhỏ, bắt đầu thực hiện cuộc chuyển đổi ruộng đất mới.
Theo đó, từ ngày 5/11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chính quyền địa phương xã Yên Hồ đã huy động người dân tập trung máy móc xuống đồng tiến hành phá bỏ bờ thửa nhỏ, san lấp mặt ruộng để chuẩn bị các bước dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất; phấn đấu thực hiện 1 thửa/cánh đồng.
Lãnh đạo huyện Đức Thọ kiểm tra kế hoạch sản xuất vụ xuân 2023 tại thôn Quy Vượng.
Diện tích thực hiện toàn xã là 50 ha tại 3 thôn: Quy Vượng (25 ha), Trung Hậu (15 ha), Tiến Hòa (10 ha). Sau chuyển đổi, số thửa canh tác giảm từ 75 thửa xuống còn 6 thửa với diện tích mỗi thửa từ 8 - 12 ha.
Đây sẽ là bước quan trọng để các vùng sản xuất tập trung thực hiện các chuỗi liên kết với doanh nghiệp, tiến tới thu hút đầu tư, xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất, tăng cao giá trị kinh tế từ sản xuất lúa gạo.
Việc hình thành các cánh đồng lớn giúp người dân áp dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất hiệu quả hơn
Để thực hiện chủ trương này, các đơn vị thôn đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến, bàn bạc công khai phương án thực hiện và tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Dự kiến, quá trình phá bờ thửa nhỏ, san lấp mặt ruộng tại các thôn sẽ hoàn thành trong ngày 8/11.
Sau xã Yên Hồ, các địa phương còn lại của huyện Đức Thọ cũng sẽ triển khai trong những ngày tới.
Toàn xã có gần 320 ha diện tích sản xuất lúa. Trước đây, xã Yên Hồ đã 2 lần thực hiện chuyển đổi ruộng đất nhưng đồng ruộng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Với lần chuyển đổi này, mục tiêu của xã là giảm số thửa trên một cánh đồng, quy hoạch lại đồng ruộng để thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Quá trình thực hiện chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, ngoài vận dụng triệt để các chính sách của cấp trên, địa phương sẽ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha.