Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

(Baohatinh.vn) - Sau 12 ngày phát hiện dịch tả lợn châu phi (DTLCP), đến nay, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã có 21 hộ ở 11 thôn của 5 xã có gia súc mắc bệnh. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, địa phương đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ đàn lợn 13.000 con.

Nguy cơ lây lan trên diện rộng

Ngày 4/4/2021, ngay sau khi phát hiện đàn lợn 21 con của gia đình xuất hiện những dấu hiệu bất thường, ông Trần Xuân Tài ở thôn Xuân Triều, xã Bình An đã báo cáo ngay với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sau 1 ngày lấy mẫu kiểm tra, những con lợn này có kết quả dương tính với DTLCP và bắt đầu chết rải rác, buộc phải tiêu hủy hết vào ngày 6/4.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Những con lợn thịt bị DTLCP chết ngay trong chuồng của một số hộ chăn nuôi ở xã Bình An.

Mới đây nhất, trong 2 ngày 15 - 16/4, trên địa bàn lại xuất hiện DTLCP (lợn bị chết) tại 7 hộ dân của các xã: Tân Lộc (4 con), Thạch Châu (13 con); Thạch Mỹ (2 con) và Bình An (1 con). Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là hộ gia đình ông Phạm Bá Khởi ở thôn Minh Quý, xã Thạch Châu có 12 con lợn bị ốm chết do DTLCP.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Cán bộ thú y triển khai lấy mẫu xác định mầm bệnh DTLCP ở xã Thạch Mỹ.

Theo thống kê từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, chỉ sau 12 ngày phát hiện DTLCP, toàn huyện đã có 21 hộ ở 11 thôn của các xã: Bình An, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Hồng Lộc và Tân Lộc có lợn bị bệnh dịch.

Số lợn bị nhiễm bệnh chết đã lên đến 67 con (16 lợn nái, 51 lợn thịt) với tổng trọng lượng 6.443 kg; trong đó, xã Bình An có số lượng chết nhiều nhất với 39 con với tổng trọng lượng 3.261 kg.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Tất cả lợn bị chết đều được đào hố chôn lấp, có đổ hóa chất, vôi bột và xử lý đảm bảo an toàn dịch bệnh. (ảnh chụp tại xã Thạch Mỹ).

Theo nhận định của những người trong cuộc thì những con số thống kê trên còn tiếp tục tăng nhanh. Ông Hà Minh Đức - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà lý giải: “Gia súc bị bệnh chết nhanh, không có vắc - xin đặc trị, tỷ lệ chết dường như là 100%, tốc độ lây lan mạnh. Ngoài yếu tố dịch bệnh nguy hiểm là ý thức ngăn dịch của người dân còn chưa cao, việc thực hiện quy trình phòng chống dịch còn hạn chế nên công tác ngăn ngừa gặp khó khăn, nguy cơ lây ra diện rộng là rất lớn…”.

Gấp rút bảo vệ đàn lợn gần 13.000 con

Trước nguy cơ dịch có thể lan ra trên diện rộng, hiện nay, tất cả các địa phương ở Lộc Hà đang gấp rút cùng Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn huyện đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Xã Bình An phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Từ ngày 11/4 - 16/4/2021, toàn huyện đã sử dụng gần 1.000 lít hóa chất Vetvaco-Iodine (tác dụng sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi) và gần 100 tấn vôi bột (huyện và xã mua khoảng 50 tấn, còn lại người dân tự mua) để tiêu độc khử trùng môi trường.

Chủ tịch UBND xã Bình An Đặng Hồng Thuẩn cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh nguy hiểm như hiện nay. Cùng với lập 8 chốt kiểm soát thì địa phương cũng đã rắc vôi bột trên các tuyến đường. Ngoài ra, ở chợ đầu mối và các cơ sở giết mổ luôn có lực lượng công an, thúy y thường trực để kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên về việc không buôn bán, giết mổ lợn bị bệnh”.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Xã Thịnh Lộc rắc vôi bột trên đường liên xã để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các địa phương khác.

Cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cũng đã tập trung bám sát địa bàn, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch. Theo đó, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, cán bộ ngành nông nghiệp đã trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Khi có gia súc bị chết thì trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc tiêu hủy ngay theo đúng quy trình.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn khống chế dịch; phối hợp với chính quyền địa phương và các phòng, ngành chức năng triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp dập dịch; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ đàn vật nuôi...

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con

Tất cả các vùng có dịch ở Lộc Hà đều đã được lập chốt kiểm soát.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh thông tin: “Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ đàn lợn 13.000 con trên địa bàn, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, dập dịch.

Các xã cũng đã lập 28 chốt kiểm dịch cùng 70 điểm cảnh báo, rắc vôi bột trên tất cả các trục đường từ lớn đến nhỏ và hoàn thành đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn huyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, giết mổ… để hạn chế dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),
Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.