Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có thể khởi công vào cuối năm 2026

Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào cuối năm 2026.

Văn phòng Chính phủ ngày 5/4 thông báo Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào cuối năm 2026.

Mốc thời gian này sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trong tháng 4 trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong tháng 5. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự rút gọn trong tháng 4.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Nippon
Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản. Ảnh: Nippon

Đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025, nhằm đáp ứng mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12 năm nay. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Với đường sắt đô thị, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM được yêu cầu rà soát kế hoạch triển khai các tuyến và xác định rõ phương án huy động vốn cho từng dự án. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho dự án đường sắt đô thị TP HCM, đoạn Bến Thành - Tham Lương, và đề xuất điều chỉnh nguồn vốn cho dự án này.

Vũ Tuân

vnexpress.net

Đọc thêm

Tiềm năng bất động sản công nghiệp Hà Tĩnh

Tiềm năng bất động sản công nghiệp Hà Tĩnh

Sở hữu quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, cơ chế chính sách phù hợp, Hà Tĩnh đã và đang có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp.
Sôi động giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Sôi động giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đạt hơn 91 triệu USD (tăng 19,34% so với cùng kỳ năm ngoái), với số thu ngân sách nhà nước đạt hơn 39,2 tỷ đồng.
Hà Tĩnh tích cực lan tỏa sự kiện Giờ Trái đất

Hà Tĩnh tích cực lan tỏa sự kiện Giờ Trái đất

Nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2025 được các đơn vị ở Hà Tĩnh triển khai nhằm lan tỏa thông điệp tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, hướng đến tương lai xanh.