Giải mã hiện tượng "cầu vượt cung" khai khoáng vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh chưa thực sự sát nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng “cầu vượt cung” là một trong những nguyên nhân “bùng phát” khai thác đất cát trái phép, đồng thời tạo khan hiếm cục bộ trên địa bàn.

Giải mã hiện tượng “cầu vượt cung” khai khoáng vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh

Dự án đường liên xã Phúc Đồng – Phương Mỹ (Hương Khê) đã hoàn thành 4/12km phần rải đá base, lu lèn, nhưng chưa thể triển khai phần đổ bê tông mặt đường do thiếu cát.

Ngay sau khi các cơ quan chức năng siết chặt kiểm tra, xử phạt khai thác, vận chuyển đất, cát trái phép, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải ngừng thi công do thiếu vật liệu (đất, cát). Đặc biệt, nhiều công trình dự án trọng điểm, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước mùa mưa lũ cũng nằm trong tình cảnh “đói” vật liệu.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày khởi công, dự án đường liên xã Phúc Đồng – Phương Mỹ (Hương Khê) dài 12 km với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành phần nền đường. Đây là tuyến đường liên xã có ý nghĩa quan trọng trong giao thông, phát triển kinh tế và đặc biệt là thoát lũ, cứu hộ, cứu nạn cho nhân các xã vùng ngập lụt Phương Mỹ, Phương Điền, Phúc Đồng (Hương Khê).

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, nhà thầu Công ty Xây dựng Vĩnh Phúc đã huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công dự án. Đến nay, đã có 4/12 km hoàn thành phần rải đá dăm, lu lèn để đổ bê tông mặt đường. Tuy nhiên, đến công đoạn cuối cùng (đổ bê tông mặt đường) thì đơn vị thi công với hàng chục thiết bị xe máy, công nhân phải nằm chờ vì thiếu cát.

“Theo quy hoạch, dự án này sử dụng cát tại mỏ Phúc Đồng nhưng vừa qua, mỏ này đã bị cấm khai thác do không đảm bảo các điều kiện để tổ chức khai thác. Trong khi đó, mỏ cát Vũ Quang cũng trong tình trạng “cháy” hàng. Nếu không có giải pháp kịp thời, chúng tôi đành phải lấy cát Nghệ An, Quảng Bình dù chi phí đội lên gấp nhiều lần” – Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Vĩnh Phúc Lê Thúc Nghiêm nói.

Giải mã hiện tượng “cầu vượt cung” khai khoáng vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh

Do thiếu đất đắp, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (giai đoạn 2 - nâng cấp, sửa chữa kênh chính Linh Cảm; xây dựng mới kênh Hương Sơn) cũng đang tạm dừng thi công gần 3 tháng nay

Cùng với thiếu cát, tình trạng thiếu đất san lấp mặt bằng, đắp các công trình, dự án cũng đang diễn ra. Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (giai đoạn 2 - nâng cấp, sửa chữa kênh chính Linh Cảm; xây dựng mới kênh Hương Sơn) cũng đang tạm dừng thi công gần 3 tháng nay do thiếu đất đắp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn lại 73 xã chưa đạt chuẩn NTM. Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu về nguồn đất san lấp, cát xây dựng phục vụ NTM đang còn rất lớn, trong khi nguồn đất mỏ ít. Theo tổng hợp của Sở TN&MT Hà Tĩnh, hiện có 4 huyện (Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà) có nhu cầu sử dụng đất, cát với khối lượng 890.346 m3 (đất san lấp: 719.340 m3, cát: 171.006 m3); các huyện (Nghi Xuân, Hương Khê và thị xã Hồng Lĩnh) cũng có nhu cầu lớn nhưng chưa thống kê được số liệu cụ thể.

Giải mã hiện tượng “cầu vượt cung” khai khoáng vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh

Một vụ khai thác tài nguyên trái phép ở xã Bắc Sơn (Thạch Hà) bị chính quyền địa phương "bóc mẽ". Ảnh: Sỹ Thông

Theo phân tích của các đơn vị nhà thầu, việc hạn chế trong quy hoạch và cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng (đất, cát) ngoài việc gây khan hiếm, đẩy giá vật liệu lên cao còn tạo môi trường cho "cát tặc", "đất lậu" bùng phát.

Trước thực trạng vướng mắc, khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường trong thi công, xây dựng công trình và giá thành lên cao trong thời gian gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, các huyện, thị xã thực hiện rà soát tổng thể Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh và đề xuất bổ sung các khu vực có tiềm năng khoáng sản vào quy hoạch. Theo đó, UBND các huyện, thị xã đã đề xuất bổ sung 29 khu vực (11 khu vực cát, 17 khu vực đất, 1 khu vực đá) vào quy hoạch.

Giải mã hiện tượng “cầu vượt cung” khai khoáng vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh

Ngày 5/5, Công an huyện Đức Thọ phát hiện, bắt giữ 3 sà lan có công suất trên 24 CV đang khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua xã Đức Quang (Đức Thọ).

Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thực địa đối với 16 khu vực. Qua kiểm tra, có 7 khu vực không đảm bảo điều kiện để bổ sung quy hoạch; 9 khu vực có tiềm năng khoáng sản có thể bổ sung vào quy hoạch và đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến của các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.

Hy vọng, việc bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ được triển khai kịp thời, góp phần “bình ổn” mặt hàng đặc thù này, đồng thời làm hạn chế khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.