Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

(Baohatinh.vn) - Trước một số vướng mắc gây khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu, các chủ mỏ tìm hướng xử lý, đảm bảo tiến độ thi công.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Khu vực thi công gói thầu 11-XL cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc.

Là một trong 2 nhà thầu thi công gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28 km thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh, thời điểm này, Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) huy động 90 công nhân, kỹ sư cùng 30 máy móc các loại, chia thành 5 mũi thi công các hạng mục.

Trong 5 mũi thi công mà nhà thầu này triển khai có 4 mũi đang chủ yếu xây dựng lán trại, nhà điều hành cũng như kiểm tra mặt bằng tuyến. Riêng mũi số 1 phụ trách thi công Km501+470 tới Km510+500 tuyến chính cao tốc, 4 cầu vượt ngang và nút giao với tỉnh lộ 550, đang tiến hành đào bóc hữu cơ, xử lý đất mềm yếu tại đoạn giao với quốc lộ 15B tại xã Sơn Lộc (Can Lộc) và đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà).

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu đang đào bóc hữu cơ, xử lý đất mềm yếu ở tuyến chính cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Theo ông Nguyễn Văn Đông - cán bộ kỹ thuật Ban điều hành thi công Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), tới thời điểm này, đơn vị đã xử lý được 10.000m3 đất hữu cơ, đất mềm yếu. Dù khối lượng đất đã đào bóc đạt khá cao nhưng nhìn chung vẫn chưa được như kỳ vọng do từ sau tết Nguyên đán tới nay, thời tiết không thuận lợi, thường xuyên có mưa. Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (đất đắp và cát các loại) khiến việc thi công “cầm chừng”.

“Sau khi đào bóc lớp đất hữu cơ, đất mềm yếu, đơn vị sẽ tiến hành bù cát với độ sâu 50cm. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cát chưa đáp ứng nên đơn vị chưa dám huy động máy móc thi công ồ ạt, bởi nếu đào bóc tràn lan trong trường hợp trời đổ mưa sẽ dẫn tới sình lầy, gây khó khăn sau này”, ông Nguyễn Văn Đông thông tin.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Do nguồn cát chưa có nên sau khi cào bóc đất hữu cơ, Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) chưa thể bù cát vào.

Việc thiếu đất đắp cũng dẫn tới thi công đường công vụ triển khai các hạng mục gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi của Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đang chậm hơn kế hoạch.

Theo tìm hiểu, nhu cầu về cát của Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) là 336 nghìn m3 cát (210 nghìn m3 cát đắp nền; 116 nghìn m3 cát hạt trung, cát vàng đổ bê tông) và 2,1 triệu m3 đất.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Phần đường công vụ phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam tại đoạn qua xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc chưa thể triển khai do thiếu nguồn đất đắp.

Căn cứ vào các khu vực mỏ vật liệu xây dựng mà Hà Tĩnh đã quy hoạch phục vụ triển khai cao tốc Bắc - Nam, nhà thầu này cũng đã lựa chọn, làm việc với chủ mỏ, tuy nhiên, do một số lý do nên tới nay, nguồn vật liệu thi công vẫn chưa được đảm bảo.

Cụ thể, với cát, trong khi mỏ chưa đủ thủ tục khai thác thì bãi tập kết lại không đáp ứng vấn đề hóa đơn chứng từ theo yêu cầu của nhà thầu. Về đất đắp, có mỏ chưa đủ thủ tục khai thác; có mỏ lại vướng về đền bù giải phóng mặt bằng, không có đường vận chuyển. Bên cạnh đó, một số mỏ đang khai thác nhưng trữ lượng không nhiều hoặc giá bán cao hơn dự toán và không đáp ứng hóa đơn chứng từ…

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Việc nâng công suất khai thác với các mỏ đất đang khai thác là một trong những giải pháp mà Sở TN&MT đề xuất để giải quyết nguồn cung đất đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cùng thi công ở gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi còn có Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Nhà thầu này cũng gặp khó khăn trong nguồn VLXD thi công đường công vụ.

“Đơn vị đang thi công từ Km479 tới Km501 tuyến cao tốc với 3 mũi thi công chính tại khu vực qua huyện Đức Thọ và Can Lộc. Để xây dựng tuyến đường công vụ phục vụ thi công cao tốc, đơn vị cần khoảng 1,2 triệu m3 đất đắp nhưng tới nay vẫn đang thiếu khiến việc triển khai bị chậm”, kỹ sư Lê Xuân Long - cán bộ phụ trách thi công của Vinaconex cho hay.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu đang thi công gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên.

Khó khăn về nguồn VLXD thi công cao tốc cũng xảy ra tại gói thầu 11-XL dài 30 km, trị giá 4.456 tỷ đồng của đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng, do liên danh nhà thầu: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đảm nhận thi công.

“Khó khăn về nguồn VLXD thi công hiện chưa đáng ngại nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể làm chậm tiến độ các gói thầu xây lắp cao tốc ở Hà Tĩnh, qua đó, ảnh hưởng chung tới dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Đăng Doanh - Chỉ huy trưởng công trường DNTN Xây dựng Xuân Trường đánh giá.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Số lượng mỏ, trữ lượng và công suất khai thác đá xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho hay: Từ báo cáo của chủ đầu tư, nhu cầu nguồn VLXD thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh gồm 2,19 triệu m3 đá xây dựng, 1,09 triệu m3 cát và 11,4 triệu m3 đất đắp.

Để chủ động nguồn VLXD thi công dự án cao tốc qua địa bàn, tỉnh đã có văn bản thống nhất nguồn vật liệu phục vụ dự án với tổng số 42 khu vực mỏ khoáng sản, trong đó có 28 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, 15 mỏ đá xây dựng với tổng trữ lượng cấp phép 46 triệu m3, công suất khai thác gần 2,8 triệu m3/năm; 11 mỏ đất san lấp với tổng trữ lượng đã cấp phép 24,2 triệu m3, công suất khai thác gần 1,3 triệu m3/năm; 2 mỏ cát xây dựng với trữ lượng cấp phép gần 0,6 triệu m3, công suất khai thác 40.000 m3/năm.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Do nguồn cát ở Hà Tĩnh không thể đáp ứng nhu cầu nên đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam đã thống nhất sẽ lấy thêm ở các tỉnh lân cận như: Quảng Bình, Nghệ An.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, quá trình nhà thầu triển khai dự án, có xảy ra một số vướng mắc về nguồn VLXD (đất san lấp và cát xây dựng), ảnh hưởng tới việc thi công. Trước thực tế này, UBND tỉnh và Sở TN&MT đã tổ chức các cuộc làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu, các chủ mỏ, chủ bến bãi kinh doanh VLXD để tháo gỡ khó khăn. Về nguồn đất san lấp, Sở TN&MT sẽ rà soát, đề nghị UBND tỉnh nâng công suất và đề xuất lấy bổ sung từ 12 mỏ chưa cấp phép nhưng đã được tỉnh chấp thuận, còn nguồn cát xây dựng được lấy tại các bãi kinh doanh cát xây dựng trên địa bàn tỉnh và từ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình.

Hà Tĩnh tích cực tháo gỡ vướng mắc phát sinh về nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Hà Tĩnh đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công, chủ mỏ VLXD để tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo tiến độ dự án.

Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Hà Tĩnh) khẳng định: Để đảm bảo đầy đủ nguồn VLXD, nhất là đối với cát xây dựng phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam đúng tiến độ, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các mỏ đất đang khai thác, bãi kinh doanh cát, sỏi có danh sách trong hồ sơ phục vụ thi công dự án. Mục đích việc kiểm tra là để đảm bảo chất lượng, chống các hành vi găm hàng, nâng giá, mua bán không có hoá đơn, giá bán không đúng giá ghi trên hoá đơn. Nội dung kiểm tra là về nguồn gốc khoáng sản, khả năng cung ứng, đơn giá vật liệu, kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có).

Sở TN&MT cũng đề xuất UBND tỉnh tổ chức cuộc làm việc riêng về nội dung khoáng sản thi công cao tốc Bắc - Nam với sự tham gia của các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công... để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Ngoài 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh còn có dự án thành phần Vũng Áng - Bùng (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 12,9km).

Theo thông tin từ chủ đầu tư (Ban QLDA 6, Bộ GTVT), đơn vị này vừa bàn giao mặt bằng cho liên danh nhà thầu. Thời điểm này, nhà thầu đang tập trung máy móc, xây dựng lán trại và khảo sát thực tế, phát quang mặt bằng (bởi khu vực thi công phần lớn là đất lâm nghiệp), chưa tiến hành thi công nên chưa phát sinh vướng mắc.

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast