Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ và tiêu thụ nông sản

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang tập trung cao việc hỗ trợ hội viên và bà con nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản.

Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 44.000 ha lúa với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (dưới 110 ngày). Để sản xuất, cần hơn 2.000 tấn lúa giống, hơn 30.000 tấn phân bón các loại.

Với vai trò, nhiệm vụ là tập trung tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp kịp thời gần 500 tấn các loại phân bón theo hình thức trả chậm phục vụ sản xuất.

a3.jpg
Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp hướng dẫn hội viên sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV xử lý phân huỷ rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng

Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lộc chia sẻ: "Một số nông dân trên địa bàn còn khó khăn, thiếu nguồn vốn sản xuất, do đó, căn cứ nhu cầu của hội viên, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân kết nối cung ứng gần 30 tấn phân bón theo hình thức trả chậm. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời để địa phương hoàn thành đề án sản xuất vụ hè thu".

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân từng bước chuyển đổi sản xuất theo đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024-2030 của UBND tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tập trung cao cho công tác hỗ trợ hội viên, bà con nông dân cập nhật kiến thức, áp dụng phương pháp sản xuất mới, từng bước chuyển đổi sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ.

a2.jpg
Hội Nông dân huyện Đức Thọ sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ.

Trung tâm đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ vi sinh vật vào sản xuất, đời sống cho cán bộ, hội viên, nông dân. Qua đó, nông dân được tiếp cận biện pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ vi sinh vật vào phân huỷ rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng (tuần hoàn rơm rạ); là biện pháp rất hiệu quả nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ; sử dụng có hiệu quả nguồn dinh dưỡng hữu cơ sẵn có phục vụ tái sản xuất.

Ông Biện Văn Quảng - Trưởng phòng Dịch vụ Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân cho hay: "Vụ hè thu năm 2024, chúng tôi thử nghiệm trên 100 ha thực hiện phương pháp sử dụng chế phẩm Emuniv do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất để xử lý trực tiếp rơm, rạ trên đồng ruộng. Trung tâm hỗ trợ 20% giá mua chế phẩm và hướng dẫn kỹ thuật.

Các báo cáo đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy, quy trình sử dụng chế phẩm rất đơn giản, dễ làm, linh hoạt; ruộng mô hình có sử dụng chế phẩm Emuniv có khả năng phân hủy gốc rạ tốt hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng không xử lý (phân huỷ hoàn toàn trong 1-2 tuần); bộ rễ lúa đẹp, ăn sâu, ít rễ đen; giảm được 15-20% lượng phân bón vô cơ.

a1.jpg
Trung tâm phối hợp cung ứng gần 500 tấn phân bón cho hội viên nông dân tại các địa phương.

Ông Võ Kim Phong – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lạc phấn khởi: Quy mô chăn nuôi nông hộ giảm nên rơm rạ thường được bà con đốt trực tiếp trên đồng ruộng. Bước vào vụ hè thu 2024, chúng tôi được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tư vấn về lợi ích của việc tuần hoàn rơm rạ, tác hại của việc đốt rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý trực tiếp trên đồng ruộng. Từ đó, bà con mạnh dạn thử nghiệm chế phẩm vào sản xuất với diện tích gần 30 ha. Để vận động và hỗ trợ hội viên nông dân, bên cạnh việc trợ giá của Trung tâm, Hội Nông dân xã đã tham mưu UBND xã trích ngân sách hỗ trợ hỗ trợ phần chi phí còn lại để mua chế phẩm.

Trước đó, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân cũng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 110 cuộc tập huấn cho hơn 9.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về các kiến thức khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất. Qua các cuộc tập huấn, hội viên nắm bắt được các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bài bản, từ việc chọn, chuẩn bị lượng giống, cách bón phân hợp lý, cách phòng trừ sâu bệnh hại… nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Song song với việc tư vấn hỗ trợ khoa học kỹ thuật, Trung tâm Hỗ trợ nông dân cũng đang tập trung cao cho các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã trực tiếp tham gia 10 gian hàng tại các hội chợ thương mại do UBND tỉnh tổ chức. Các cửa hàng nông sản an toàn của hội hoạt động hiệu quả, được người tiêu dùng tin tưởng. Qua đó, trực tiếp kết nối hơn 70 tấn nông sản các loại. Hoạt động quảng bá trên các trang thương mại điện tử, hệ thống mạng xã hội được mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm phát huy tối đa, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tập trung các lĩnh vực như: tư vấn kỹ thuật; phối hợp cung ứng vật tư phục vụ sản xuất; xây dựng mô hình trình diễn; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động, trong đó trọng tâm là hỗ trợ hội viên nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân.

Ông Phan Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh)

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),
Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.