Đầu năm 2021, anh Lê Khắc Tân (xã Phú Gia, Hương Khê) tiến hành ngăn khe, đắp bờ trải bạt tạo hồ nhân tạo rộng khoảng 2000 m2 để nuôi thử nghiệm cá tầm thương phẩm.
Anh Lê Khắc Tân tạo hồ nhân tạo rộng khoảng 2000 m2 để nuôi thử nghiệm cá tầm thương phẩm.
Sau gần 1 năm chăm sóc, mặc dù gặp một số khó khăn trong quá trình nuôi nhưng mô hình vẫn đạt hiệu quả khá. Trọng lượng cá thu hoạch đạt trung bình từ 2kg - 2,2kg, giá bán từ 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg. Tổng lợi nhuận thu về từ mô hình đạt hơn 50 triệu đồng.
Đáng nói, cá tầm từ trước đến nay chỉ phù hợp với những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong khi đó, huyện Hương Khê được coi là một trong những “chảo lửa” của cả nước.
Sau 1 năm, cá tầm đạt trọng lượng trung bình từ 2kg - 2,2kg.
Anh Tân chia sẻ: “Hiện tại, gia đình đã tiếp tục thả lứa cá thứ 2 với 1.500 con cá giống (quy mô gấp 3 lần năm 2021), tỷ lệ sống ở lần thả giống thứ 2 cũng cao hơn nhiều so với trước. Cá tầm đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật chăm sóc và môi trường sống, tuy nhiên việc nuôi không có nhiều khó khăn, đặc biệt khi mô hình được lãnh đạo và cán bộ nông nghiệp địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật ”.
Nhằm chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, sau hơn 1 năm, mô hình trồng sâm bố chính tại xã Hương Xuân đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao.
Cây sâm bố chính đạt hiệu quả kinh tế cao trên đất Hương Khê.
Anh Phan Văn Sáng - thôn Phú Hòa, xã Hương Xuân phấn khởi: “Cây sâm bố chính rất phù hợp với điều kiện địa phương. Chúng tôi thực hiện trồng thử nghiệm trên diện tích 1.000 m2, sau 12 tháng cho năng suất 250 - 300kg củ/sào. Sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trung bình đạt 30 triệu đồng/sào/năm. Phát huy kết quả này, năm 2022, gia đình đã tiếp tục xuống giống 3 sào sâm bố chính và đang tiếp tục tìm quỹ đất để mở rộng quy mô. Một số hộ dân trên địa bàn thấy hiệu quả cũng đã học hỏi kinh nghiệm và chuyển đổi trồng sâm bố chính".
Gia đình anh Phan Văn Sáng tiếp tục mở rộng quy mô trồng sâm bố chính.
Cũng nhằm phát huy lợi thế vườn đồi, tại xã Hương Trà, tháng 6/2021, gia đình anh Phạm Quang Trung đã mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê với quy mô 300 m2. Ban đầu, anh thả 54 con dê giống, đến nay, đã phát triển nhân rộng tổng đàn lên 290 con (quy mô chuồng đã lên 600 m2). Bước đầu cho thấy, con nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Thời gian đầu, gia đình đang tập trung mở rộng quy mô nhưng mô hình vẫn cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mô hình còn tạo việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.
Từ hơn 50 con dê giống ban đầu, anh Phạm Quang Trung đã nhân rộng tổng đàn lên 290 con.
Các mô hình kể trên là kết quả của kế hoạch khuyến nông huyện Hương Khê triển khai từ năm 2020 đến nay. Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Kỳ cho biết: Hương Khê rất quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất đai và phát triển bền vững. Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để hỗ trợ thực hiện các mô hình khuyến nông hằng năm và cho thấy hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, năm 2020, huyện hỗ trợ cho mỗi tổ chức, các nhân xây dựng nhà màng 100 triệu đồng (với diện tích 1.000 m2 trở lên) để trồng dưa lưới và rau, củ, quả các loại. Năm 2021, Hương Khê triển khai thực hiện các mô hình trồng sâm bố chính, nuôi dê sinh sản, nuôi cá tầm, chăn nuôi bò thịt 3B, chăn nuôi bò nái nền lai Sind. Năm 2022, triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng cây dược liệu xạ can.
Mô hình nuôi dê tại xã Hương Trà.
Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ xây dựng 219 mô hình thực hiện ủ chua từ cây ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, huyện cũng được Sở KH&CN hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 mô hình bò nái nền lai sind phối tinh bò 3B với quy mô 8 con/mô hình tại các xã Lộc Yên, Hương Trà, Hương Vĩnh.
Thực tế cho thấy, các mô hình, dự án khuyến nông với mức kinh phí hỗ trợ nhỏ (từ 20 - 100 triệu đồng/mô hình) nhưng bám sát nhu cầu thực tế và kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết nhiều “nhà” trong sản xuất đã mang lại hiệu quả cao.
Ông Phan Kỳ cho biết thêm: Thông qua việc xây dựng các mô hình đã khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ triển khai các mô hình khuyến nông phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; chú trọng triển khai các nội dung trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm có hiệu quả.