Hương Khê thí điểm mở rộng sản xuất cây hành tăm

(Baohatinh.vn) - Hành tăm là cây trồng bản địa ở Hương Khê (Hà Tĩnh), có chất lượng cao. Nông dân địa phương đang kỳ vọng giống cây này sẽ là sản phẩm hàng hóa nhằm tăng thu nhập trong vụ đông.

Chương trình ra quân sản xuất vụ đông được Hội Nông dân Hương Khê tổ chức trên đồng ruộng.

Đưa cây hành tăm về bản Rào Tre

Thay vì tổ chức tại hội trường và ở các địa bàn trung tâm, chương trình phát động ra quân sản xuất vụ đông năm 2024 của huyện Hương Khê gắn với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện, được triển khai ngay trên đồng ruộng. Dưới chân núi Ka Đay, hàng chục cán bộ, hội viên nông dân cùng các chiến sỹ biên phòng và bà con dân tộc Chứt hối hả cuốc đất, nhặt cỏ và xuống giống vụ đông.

Đây cũng là lần đầu tiên người dân nơi đây biết làm vụ đông. Giống cây trồng được lựa chọn là cây hành tăm. Không chỉ nhằm giúp bà con làm quen với vụ sản xuất mới, mô hình trồng cây hành tăm còn mang theo khát vọng thoát nghèo của người dân đồng bào.

Mô hình trồng hành tăm tại bản Rào Tre được thực hiện trên diện tích đất bỏ hoang.

Chị Hồ Thị Kiên – Trưởng bản Rào Tre phấn khởi: "Bản Rào Tre có 45 hộ, 157 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt. Thời gian qua, mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ nhưng nhìn chung đời sống bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, do chưa thoát khỏi tư duy săn bắt, hái lượm nên người Chứt chưa quen với việc sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bởi vậy, mô hình hỗ trợ sản xuất vụ đông với người Chứt càng trở nên thiết thực, quý giá, mang theo cả khát vọng vươn lên của bà con đồng bào chúng tôi".

Trong vụ đông năm nay, bà con dân tộc Chứt sẽ trồng thử nghiệm với diện tích 1 sào. Toàn bộ chi phí sản xuất được Hội Nông dân huyện và Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ. Lợi nhuận từ mô hình sẽ được gây quỹ cho tổ chức hội nông dân địa phương phục vụ các hoạt động như: hỗ trợ vay vốn, thăm hỏi, tặng quà…

Cán bộ, hội viên nông dân và các chiến sỹ biên phòng trực tiếp cầm tay, chỉ việc.

Để giúp bà con sản xuất, cán bộ, hội viên nông dân và các chiến sỹ biên phòng đã trực tiếp cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn bà con từ cách đánh luống, bón phân đến việc xuống giống, tấp tủ. Trong cả quá trình sản xuất, các đơn vị, lực lượng cũng sẽ hỗ trợ theo dõi và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch hành tăm.

Mỗi xã, thị trấn thí điểm ít nhất 1 sào hành tăm

Hành tăm là loại cây gia vị truyền thống lâu đời với những ưu điểm dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất phù hợp chất đất của nhiều vùng trên địa bàn huyện Hương Khê.

Tuy nhiên, xưa nay, người dân địa phương chỉ sản xuất với quy mô rất nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày, chưa có vùng sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, theo tính toán của người dân một số vùng ở thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, nếu chăm sóc tốt, 1 sào hành tăm sẽ cho thu lãi gần 20 triệu đồng, cao hơn rất lần so với những cây trồng khác.

Hành tăm là cây bản địa, có chất lượng rất tốt trên địa bàn huyện Hương Khê.

Với quan điểm chỉ đạo vụ đông là ưu tiên cây trồng, vật nuôi có giá trị thu nhập cao/đơn vị diện tích canh tác và giá trị thu nhập/ hộ nông dân, Hội Nông dân huyện Hương Khê phát động tổ chức hội cấp xã, thôn mạnh dạn trồng thử nghiệm cây hành tăm.

Mỗi xã, thị trấn sản xuất thí điểm ít nhất 1 sào hành tăm trên diện tích đất hoang, đất chưa canh tác; tổ chức hội tiên phong đứng ra thực hiện, số tiền lợi nhuận sẽ được sử dụng làm quỹ hội. Ngoài ra, khuyến khích hội viên, nông dân mở rộng diện tích sản xuất nông hộ để tăng thu nhập.

Hội Nông dân xã Phú Gia sản xuất thử nghiệm 1 sào tại đồng Bãi Trện, thôn Trường Sơn.

Sau hơn 1 tuần phát động, đến nay đã có 10 địa phương sản xuất hành tăm, các địa phương còn lại cũng đang đẩy nhanh tiến độ làm đất để kịp thời xuống giống. Ông Bùi Xuân Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Gia chia sẻ, cây hành tăm hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tại Phú Gia, hầu hết các gia đình đều có trồng cây hành tăm trong vườn để làm gia vị nấu nướng. Thực hiện chương trình phát động của Hội Nông dân huyện, năm nay chúng tôi sản xuất tập trung 1 sào tại đồng Bãi Trện, thôn Trường Sơn. Việc xây dựng mô hình thí điểm nhằm đánh giá tính hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác và tìm quy trình sản xuất tối ưu nhất để vừa tăng năng suất, vừa giảm chi phí sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê Đinh Công Tịu cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo triển khai làm thí điểm tại các địa phương để đánh giá tính hiệu quả và lan tỏa, nhân rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, tập trung vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm thay đổi tập quán sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc, góp phần thực hiện đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu lớn hơn là nông dân Hương Khê sẽ tạo ra được sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng trong thời gian tới".

Vụ đông 2024, toàn huyện Hương Khê phấn đấu sản xuất 2.765,5 ha (cây trồng chính), trong đó: 2.300 ha cây ngô, 100 ha cây khoai lang và 360 ha rau các loại.

Cùng đó, triển khai trồng dứa liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với diện tích 5,5 ha; khuyến khích mở rộng thí điểm các vùng sản xuất hành tăm theo hướng hàng hoá, tập trung.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói