Chính quyền địa phương xã Sơn Long tiêu hủy 13 con lợn bị DTLCP.
Tính đến thời điểm này (29/3), trên địa bàn huyện Hương Sơn (gồm các xã: Sơn Long, Sơn Trung và Sơn Trà), 34 con lợn bị DTLCP đã buộc phải tiêu hủy.
Cùng với đó, từ ngày 21/3 đến nay, 87 con bò của 76 hộ, 39 thôn trên địa bàn 14 xã bị viêm da nổi cục.
Huyện Hương Sơn đang tập trung chỉ đạo các địa phương sử dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh; đồng thời, đã cấp gần 1.000 lít hóa chất cho các xã, thị trấn, đăng ký hơn 25.000 liều vắc-xin tiêm phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò.
Từ ngày 21/3 đến nay, toàn huyện Hương Sơn có 87 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục.
Xã Sơn Long hiện tại đang bị dịch bệnh “kép” với 13 con lợn bị DTLCP và 4 con bò bị viêm da nổi cục tại các thôn 1 và 3. Ông Cù Văn Vịnh – Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: Sau khi phát hiện DTLCP tại thôn 1, xã tiến hành tiêu hủy số gia súc bị mắc bệnh theo quy định; đồng thời, phối hợp với cán bộ chuyên môn huyện về tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho tất cả các hộ dân chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch cho gần 850 con gia súc trên địa bàn.
Các địa phương lập chốt canh tiêu độc khử trung các phương tiện qua lại vùng dịch.
“Nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, chính quyền địa phương lập 2 chốt canh tại thôn 1, cắt cử người trực phun hóa chất tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại và nghiêm cấm người dân vận chuyển mua bán gia súc ra, vào vùng đang có dịch. Xã cũng thành lập các tổ công tác xuống tận các hộ chăn nuôi để giám sát, theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch trong diện hẹp” – ông Vịnh cho hay.
Người chăn nuôi tiến hành rắc vôi bột tại các khu vực chuồng trại.
Sau khi được xã cấp 300 lít hóa chất, người chăn nuôi ở xã Sơn Long đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Chị Nguyễn Thị Lý - thôn 1, xã Sơn Long chia sẻ: “Lo lắng cho 2 còn bò của gia đình trước dịch bệnh viêm da nổi cục, tôi không chăn thả ngoài đồng mà đưa về nuôi nhốt tại chuồng. Hàng ngày, tiến hành vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất, rắc vôi bột tại khu vực chăn nuôi".
Xã Tân Mỹ Hà đang có 34 con gia súc bị “dính” bệnh viêm da nổi cục.
Xã Tân Mỹ Hà hiện đang có số lượng gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục nhiều nhất huyện với 34 con của 28 hộ tại 10 thôn. Hiện tại, chính quyền địa phương đang rốt ráo để khống chế dịch bệnh cho hơn 1.600 con gia súc trên địa bàn.
Chính quyền địa phương chỉ đạo các hộ tách riêng bò bệnh để chữa trị, khuyến cáo Nhân dân phun tiêu độc, khử trùng, phun thuốc diệt ruồi muỗi khu vực chăn nuôi, đăng ký số lượng vắc-xin để tiêm phòng cho đàn trâu bò.
Người chăn nuôi không thả rông mà đưa trâu bò về chuồng để phòng ngừa dịch bệnh.
Theo ông Trần Kim Chi - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà, dịch viêm da nổi cục trên địa bàn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp bởi đây loại dịch bệnh mới, chưa có phác đồ điều trị cụ thể. Trong khi đó, thời tiết đang ở trạng thái nóng ẩm, các động vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ve… phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Xã đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm khống chế dịch. Xã đã đăng ký gần 1.300 liều vắc-xin để tiến hành tiêm phòng cho đàn trâu bò thuộc diện phải tiêm trên địa bàn.
Cán bộ thú y xã Sơn Long phun tiêu độc, khử trùng, phun thuốc diệt các động vật trung gian truyền bệnh khu vực chăn nuôi.
Ngoài các địa phương đang có gia súc bị “dính” bệnh thì các địa phương chưa xẩy ra dịch cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các biện pháp phòng chống, ngăn chặn để bảo vệ 31.52 con trâu bò và hơn 60.000 con lợn trên địa bàn toàn huyện.
Theo ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện cho hay: Huyện đang tập trung kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ gia súc; kiểm tra việc lưu thông mua bán gia súc trên thị trường. Ngoài ra, thực hiện cam kết “5 không” với các hộ chăn nuôi: không giấu dịch, không tự điều trị, không buôn bán giết mổ, không vứt lợn ốm chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Lãnh đạo huyện kiểm tra và chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh.
Mặt khác, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.