Mồ hôi mà đổ xuống đồng...

(Baohatinh.vn) - Những vạt nắng vàng như mật đổ xuống đồng ruộng làm dậy lên mùi thơm nồng nàn của lúa chín. Dẫu nhiều mệt nhọc, lắm lo toan, nhưng mùa thu hoạch năm nay lại thêm một lần bà con nông dân Hà Tĩnh hân hoan niềm vui thắng lợi.

Mùa “gặt” niềm vui!

“Vựa lúa” Cẩm Xuyên suốt những ngày cuối tháng 8, khắp các cánh đồng ánh lên màu vàng tươi rực rỡ. Hàng trăm chiếc máy gặt đập liên hợp chạy ngày, chạy đêm để kịp tiến độ thu hoạch trước mùa mưa bão.

Niềm vui mừng của bà con nông dân huyện Cẩm Xuyên khi vụ lúa hè thu đạt năng suất cao.

“Một ngày nắng bằng chín, mười ngày mưa”, bởi thế mà bà con nông dân luôn tất bật, lo lắng để đẩy nhanh tiến độ. Năm nay, chị Trần Thị Hương (thôn Đông Đoài, xã Nam Phúc Thăng) làm hơn 3 mẫu, là một trong những gia đình có nhiều ruộng nhất của làng. Chị Hương cho biết: “Ruộng tập trung ở các cánh đồng lớn, máy gặt, xe ô tô chở lúa vào tận nơi nên thời gian thu hoạch rút ngắn hơn trước rất nhiều. Vụ hè thu năm nay lúa đẹp lắm, bông nào bông nấy nặng trĩu hạt xếp chồng lên nhau thành từng lớp, từng lớp… năng suất lúa khô đạt 2,7 tạ/sào nên tôi phấn khởi lắm”.

Khi thời vụ vào cao điểm tập trung cũng là lúc vất vả nhất của chủ máy gặt đập liên hợp và công nhân. Vừa dừng nghỉ sau khi “chạy” gần 1 mẫu ruộng, anh Phạm Tiến - chủ máy gặt đập đến từ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Mùa này chúng tôi chủ yếu tập trung gặt ở vùng Cẩm Xuyên. Vào đây, anh em thuê trọ hoặc có khi xin ở cùng người trong làng cho đến khi xong mùa vụ mới về nhà. Được bà con động viên, hỗ trợ rất nhiệt tình nên anh em sẽ cố gắng tăng thời gian chạy máy, làm cả ban đêm cho kịp thời vụ”.

Máy gặt đập liên hợp chạy đuổi thời vụ trên những cánh đồng hè thu.

Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho bà con nông dân, huyện Cẩm Xuyên đã hợp đồng hơn 150 máy gặt đập liên hợp về từng đơn vị thôn; tổ chức gặt đồng loạt theo hình thức cuốn chiếu, thu hoạch cánh đồng nào gọn cánh đồng đó, thôn nào gọn thôn đó.

Tại huyện Thạch Hà, từ nửa cuối tháng 8, những cỗ máy cũng ngày đêm ầm ù chạy băng băng trên đồng ruộng, miệt mài gom thóc. Nơi nào có máy gặt đập liên hợp là nơi đấy rộn rã tiếng hỏi chuyện, nói cười của bà con nông dân.

Nhìn những bì lúa nặng trĩu lần lượt được gùi lên bờ, ông Trần Văn Thắng (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) vui vẻ: “Chưa năm nào lúa hè thu được mùa, được giá như năm nay. Gần 4 tấn lúa Khang Dân 18 tôi đã bán ngay tại chân ruộng cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg”.

Với bà con nông dân thôn Vĩnh Hòa, xã Đình Bàn (Thạch Hà) đây là "mùa thu lịch sử" vì sau nhiều năm, bà con mới được thu hoạch lúa hè thu trên vùng đất bỏ hoang.

Với người dân thôn Vĩnh Hòa, xã Đỉnh Bàn, mùa thu năm nay thật đặc biệt bởi sau bao “năm đợi, tháng chờ”, bà con lần đầu tiên được thu hoạch mùa vàng trên ruộng đồng. Điều này có được là nhờ UBND huyện Thạch Hà đã hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng xây dựng trạm bơm dẫn nước về ruộng, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt tươi. Ông Nguyễn Văn Mậu chia sẻ: “Lúa vàng óng cả một vùng, năng suất vụ hè thu đầu tiên ước đạt 2,7 tạ/sào. Điều này có nằm mơ chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới”.

Hiện nay, huyện Thạch Hà đã thu hoạch được khoảng 75% diện tích. Theo đánh giá bước đầu, năng suất bình quân lúa hè thu của huyện đạt 54 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay.

Ngược ngàn, không khí mùa vụ cũng đang khẩn trương hơn bao giờ hết tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… Từ 4h30’ sáng, ông Phạm Văn Hạnh (thôn 7, xã Hà Linh, Hương Khê) đã đội đèn pin, mang theo máy gặt tay ra đồng thu hoạch lúa. Ông Hạnh chia sẻ: “Vụ hè thu năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào nên lúa đạt năng suất cao. Nhờ máy gặt tay mà nông dân chủ động và giảm được phần nào thời gian thu hoạch so với gặt bằng liềm, lưỡi hái như trước đây”.

Năng suất vụ hè thu 2024 dự ước đạt trên 51,5 tạ/ha (cao hơn năm 2023 là 1,33 tạ/ha).

Mùa vàng trên những cánh đồng mẫu lớn

Về thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) giữa không khí ngày mùa đang rộn ràng mới thấy hết được những đổi thay của vùng đất này.

Bà Phạm Thị Đoan chia sẻ: “Bao khó khăn khi bắt đầu thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất đã qua, giờ nhìn lại thành quả ai nấy đều vui mừng vì những bước đột phá mới. Từ 6 sào phân tán, nay tôi đã được sản xuất trên 1 thửa duy nhất. 3 vụ lúa trên cánh đồng này đều rất thuận lợi nhờ hạ tầng đồng bộ, năng suất bình quân vụ hè thu đạt hơn 3 tạ/sào, cao nhất từ trước đến nay”.

Những cánh đồng hạ tầng đồng bộ sau chuyển đổi ruộng đất mang đến những mùa vàng bội thu cho người nông dân Hà Tĩnh.

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 06), đến nay, huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã với tổng diện tích gần 890 ha thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Sau chuyển đổi, từ các cánh đồng tập trung, huyện đã chú trọng hình thành được hơn 100 ha sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các vùng hàng hóa quy mô lớn.

Trên cơ sở kết quả của công cuộc tập trung, tích tụ ruộng đất, hơn 2 năm qua, bà con nông dân thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đã kiên trì theo đuổi canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Vụ hè thu năm nay càng trở nên đáng nhớ với niềm vui lớn lao cho bà con khi gạo ST25 sản xuất ở vùng đất rộng 5 ha đã được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa hè thu năm 2024.

Ngắm nhìn đồng lúa trĩu bông, ông Nguyễn Kỳ Nam chia sẻ: “Bà con chúng tôi đã hơn 2 năm áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, dùng phân bón cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật. Cách thức mới này đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất theo hướng đảm bảo đúng quy chuẩn, tạo vùng liên kết hàng hóa chất lượng cao với doanh nghiệp”.

Vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh sản xuất gần 45.000 ha lúa. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch trên 32.000 ha, năng suất dự ước đạt trên 51,5 tạ/ha (cao hơn năm 2023 là 1,33 tạ/ha). Các cánh đồng mẫu lớn sau chuyển đổi ruộng đất tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho các địa phương và bà con nông dân đầu tư sản xuất, đồng nhất về giống, thời vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng yếu tố an toàn cho sản xuất, hướng đến nền sản xuất hàng hóa.

Tỉnh tiếp tục khuyến khích các địa phương huy động các nguồn lực thực hiện chủ trương chuyển đổi, tập trung ruộng đất gắn với đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói