Giá lúa đạt đỉnh nhiều năm, nông dân Hà Tĩnh vui như hội

(Baohatinh.vn) - Với mức giá được cho là đạt đỉnh trong nhiều năm gần đây, nông dân Hà Tĩnh đang phấn khởi bước vào thu hoạch tập trung vụ lúa hè thu 2024.

IMG_9902.jpg
Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi chia sẻ về giá lúa tươi được thu mua ở mức cao.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) hối hả ra đồng thu hoạch lúa hè thu. Khắp con đường dẫn ra các cánh đồng tập trung, tiếng máy gặt rền vang, những bì lúa nếp 98 vừa được thu hoạch chuẩn bị chờ tiểu thương đến thu mua.

Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Thiên Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên) cho hay: “Nhà tôi làm 2 mẫu thì gần 1,5 mẫu là nếp. Năng suất lúa tươi bình quân đạt 3,5 tạ/sào, thu hoạch xong là bán luôn cho thương lái với giá 6.500 đồng/kg (cao hơn vụ hè thu năm ngoái gần 700 đồng/kg). Giá cao nên thu hoạch được bao nhiêu nhà tôi bán hết sạch, thu “tiền tươi” trên 10 triệu đồng”.

z5751888342599_84c99b96762133bec8586a1821c88db3.jpg
Nếp tươi được tập kết về các điểm thu mua tại xã Khánh Vĩnh Yên.

Được biết, xã Khánh Vĩnh Yên sản xuất trên 870 ha lúa hè thu, trong đó, trên 60% diện tích là lúa nếp. Vào cao điểm thu hoạch, toàn xã có trên 10 điểm tập kết thu mua lúa, nếp tươi cho bà con nông dân. Sau mỗi ngày thu hoạch, các đầu nậu sẽ “gom” hàng chuyển ra cho các ông chủ lớn ở miền Bắc.

Tại các xã trọng điểm sản xuất khác của huyện Can Lộc như: Xuân Lộc, Quang Lộc, Kim Song Trường..., bà con nông dân cũng đang huy động nhân lực, vật lực khẩn trương thu hoạch lúa. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được trên 1.300 ha. Đặc biệt, giá lúa nếp tươi đang ở mức “đỉnh" trong nhiều năm trở lại đây nên các hộ dân đã bán sớm số lượng lớn cho thương lái, thay vì đem về nhà trau phơi.

456265049_7567717669994331_3740861561954743188_n.jpg
Máy gặt đập liên hợp giúp bà con nông dân Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ hè thu. Ảnh Thúy Quỳnh.

Anh Trần Xuân Sang (thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Lúa nếp tại vùng này chất lượng cao, hạt tròn, mẩy nên luôn được thương lái gom hàng số lượng lớn. Không chỉ riêng đầu mối tại địa phương, các đầu nậu lớn từ ngoại tỉnh cũng vào tận nơi “có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”. Tôi dự ước vụ này thu khoảng 8 tấn lúa tươi và sẽ xuất bán trên 2/3 sản lượng”.

Khác với xu thế của những năm trước, vụ hè thu năm nay, thị trường các giống lúa hàng hóa như Khang Dân 18, Xuân Mai 12… rất sôi động. Đặc biệt, theo ghi nhận, giá bán lúa tươi cho thương lái tại các địa phương đang cao ngang ngửa với các giống lúa nếp.

IMG_0073.jpg
Giá lúa Khang Dân 18 thương lái thu mua với giá 6.500 - 6.700 đồng/kg.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, gia đình chị Trần Thị Mai (thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) bước vào vụ thu hoạch với niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa vừa được giá. Chị Mai chia sẻ: “Gia đình gieo cấy trên diện tích hơn 1 mẫu ruộng, năng suất dự ước đạt 2,6 tạ/sào. Giá lúa Khang Dân 18 được thương lái thu mua với giá 6.500 - 6.700 đồng/kg, có bao nhiêu mua bấy nhiêu; giá lúa khô ở mức trên 8.500 đồng/kg, cao hơn vụ hè thu năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg nên bà con nông dân mừng lắm”.

“Chưa bao giờ thấy lúa hè thu lại bán được giá cao như năm nay. Do thu hoạch sớm, giá lúa tươi Xuân Mai 18 ở vùng này đang được thương lái thu mua ở mức cao, khoảng 6.500 đồng/kg. Tôi đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để tranh thủ được thời điểm bán ra tốt nhất", anh Phan Xuân Hạnh (thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) cho hay.

DANG0734.jpg
Hợp tác xã Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) là một trong những HTX thu mua số lượng lớn lúa tại Hà Tĩnh trong vụ hè thu.

Hiện các địa phương đã bước vào đợt thu hoạch tập trung càng làm cho không khí mua - bán trở nên sôi động. Từng đoàn xe tải, xe đầu kéo của thương lái tấp nập đến gom hàng tại các điểm tập kết. Không chỉ các thương lái trong tỉnh, nhiều chuyến xe ngoại tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An cũng vào ra liên tục, cung ứng lượng hàng lớn cho thị trường miền Bắc.

Tại bãi tập kết lúa gạo của anh Nguyễn Doãn Hiệp (thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) luôn tấp nập cảnh người dân bốc xếp lúa, mỗi ngày có 1 - 2 chuyến xe tải cỡ lớn về nhập hàng. Anh Hiệp cho biết: “Hiện nay, mới đầu vụ thu hoạch nên mỗi ngày, tôi mua được khoảng trên 10 tấn lúa. Chúng tôi đang tập trung gom hàng ở tất cả các thôn và bán cho các đầu mối lớn ở tỉnh Thanh Hóa”.

IMG_0036.jpg
Niềm vui của người nông dân huyện Cẩm Xuyên khi lúa được mùa, được giá.

Hiện nay, HTX Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) đang thu mua của nông dân hàng trăm tấn lúa mỗi ngày ở các địa phương trọng điểm về sản xuất các giống lúa phục vụ làm bún, bánh (Khang Dân 18, Xuân Mai 12) như huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên...

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Hạnh Cường cho biết: “Lúa tươi đầu mùa đang được chúng tôi thu mua với giá 6.500 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Từ nay đến cuối vụ, thị trường lúa, gạo dự báo sẽ tiếp tục sôi động và HTX sẽ thu mua gần 6.000 tấn lúa tại các địa phương. Lúa sẽ được chúng tôi sấy tập trung bằng hệ thống máy móc của HTX, xuất đi các đầu mối ở tỉnh phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam…”.

Thông tin từ các doanh nghiệp và thương lái, giá lúa vụ hè thu đang ở mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dao động từ 6.000 - 6.500 đồng/kg lúa tươi. Giá lúa tại thị trường Hà Tĩnh tăng cao chủ yếu do giá lúa, gạo của Việt Nam đang cao nhất trong khối các nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Cùng đó, nhu cầu nhập khẩu gạo cũng đang tăng lên ở hầu hết các quốc gia do sự sôi động của thị trường vào cuối năm.

0X5A0755.jpg
Các cánh đồng lúa đã ngả màu vàng, nông dân đang bước vào vụ thu hoạch tập trung từ nay đến 30/8, phấn đấu hoàn thành thu hoạch trước ngày 5/9.

Vụ hè thu 2024, Hà Tĩnh sản xuất gần 45.000 ha. Bà con nông dân toàn tỉnh đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch tập trung từ nay đến 30/8, phấn đấu hoàn thành thu hoạch trước ngày 5/9. Đến nay, các địa phương như huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ... đã thu hoạch được trên 10.000 ha lúa.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mô hình sinh kế - “bệ đỡ” cho người nghèo Vũ Quang

Mô hình sinh kế - “bệ đỡ” cho người nghèo Vũ Quang

Các mô hình sinh kế không chỉ giúp những hộ khó khăn ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) có điều kiện vươn lên trong cuộc sống mà còn giúp các địa phương trên toàn huyện hoàn thiện, củng cố các tiêu chí nông thôn mới.
 “Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

“Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

Nắng nóng gay gắt kéo dài tại thời điểm trám trổ hoa nên tỷ lệ đậu quả không nhiều, năm nay người trồng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang đối mặt với một mùa thu hoạch kém vui.
Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên hàng rào xanh mướt xen lẫn những hàng bưởi đặc sản trĩu quả… là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực ở thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Sản lượng thấp, trong khi giá bán chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, nhiều hộ dân trồng dưa non tại thôn Yên Lạc (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngán ngẩm vì mất mùa, "rớt" giá.
Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Không chỉ định vị thương hiệu nước mắm Phú Sáng trên thị trường bằng “tấm thẻ bài” OCOP 3 sao, nữ giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Hà Tĩnh) còn liên kết xuất khẩu hải sản, bao tiêu nguồn nguyên liệu vững chắc cho ngư dân vùng cửa biển.