Nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn

(Baohatinh.vn) - Nhiều người dầm mình trong lũ, những chiếc ca nô, xuồng hoạt động hết công suất, những chuyến xe chở đầy hàng hoá, hàng ngàn tin nhắn chia sẻ, những bếp lửa đượm nồng tình yêu thương… là bức tranh đầy yêu thương tại Hà Tĩnh trong những ngày qua.

Xã Cẩm Thành – một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nhất của Cẩm Xuyên trong những ngày qua. Ảnh Anh Tấn

Chia sẻ thông tin, lan toả tình người

Từ đêm 18/10, sau trận mưa kéo dài kèm hồ Kẻ Gỗ xả lũ, 6 xã vùng hạ lưu Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên); một số điểm thuộc các phường Đại Nài, Văn Yên, Hà Huy Tập, Nam Hà… ở thành phố Hà Tĩnh; một số xã của huyện Thạch Hà bị cô lập hoàn toàn.

Trong đêm, tin nhắn kêu cứu tràn ngập mạng xã hội. Ngay sau đó là hàng ngàn status chia sẻ về những hoàn cảnh cấp thiết cần được hỗ trợ. Người dân Hà Tĩnh đã có một đêm thao thức không ngủ, người lo lắng cho người thân, người tìm cách cứu giúp những hoàn cảnh cấp thiết.

Nhiều điểm của thành phố Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Ảnh Đình Nhất

Nhà báo Nguyễn Tuyết Mây - Báo Xây dựng chia sẻ: “Chỉ trong một đêm, hàng trăm tin nhắn kêu cứu gửi vào các tài khoản mạng xã hội của tôi. Không biết làm gì hơn, tôi chia sẻ và kêu gọi chia sẻ trên facebook, zalo để các lực lượng chức năng nhanh chóng nắm bắt thông tin, ứng cứu người dân kịp thời."

Cũng chính từ những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các tổ chức thiện nguyện ở trong và ngoài tỉnh biết rõ tình hình, có kế hoạch, hành động cụ thể để ứng cứu người dân. Người hỗ trợ thức ăn, nước uống, người hỗ trợ về phương tiện… Tất cả đều thao thức, nôn nóng, hướng về Hà Tĩnh.

Trong khó khăn, hoạn nạn, chính người Hà Tĩnh đã đùm bọc lấy nhau. Ngay khi biết được thông tin các điểm bị cô lập, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, hội đoàn thể… đã nhanh chóng quyên góp, tổ chức nấu cơm, cháo, bánh chưng… rồi tìm cách mang đến các nhà dân, bệnh viện đang chìm trong biển nước.

Từ bên kia cầu Bến Thuỷ, Nhân dân Nghệ An cũng nhanh chóng quyên góp, triển khai nấu bánh chưng và mua sắm các thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, tổ chức vượt lũ mang vào Hà Tĩnh hỗ trợ.

Bà Trần Thị Thủy - 70 tuổi ở thôn Trường Sơn, xã Nghi Trường, Nghi Lộc - Nghệ An chia sẻ: Thôn đã huy động hơn 100 người cùng gói bánh. Chúng tôi mong những chiếc bánh này sẽ làm ấm lòng bà con vùng lũ Hà Tĩnh để vượt qua hoạn nạn.

Trong cơn hồng thuỷ, nhìn những tốp người cùng nhau sửa soạn nấu nướng, những bếp lửa đượm tình yêu thương bập bùng cháy đỏ, lòng người cũng trở nên ấm áp và được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với thiên tai.

Thêm phần ấm áp hơn nữa chính là tình làng nghĩa xóm trong cơn hoạn nạn. Ở thành phố Hà Tĩnh, do mất điện, lại bị cô lập nên việc gia đình bếp ga còn hoạt động nấu cơm cho cả xóm là chuyện bình thường. Những bữa cơm dẫu không đủ đầy, nhưng lại đượm tình yêu thương. Tình làng, nghĩa xóm cũng nhờ đó mà thêm phần thắm thiết, đầy cảm thông và chia sẻ.

Kịp thời hỗ trợ phương tiện

Có một vấn đề đặt ra tại Hà Tĩnh trong quá trình ứng cứu người dân là sự thiếu thốn về phương tiện. Hầu như tất cả các ngả đường đều ngập sâu trong nước, phương tiện di chuyển chỉ có thể là thuyền và ca nô. Trong hoàn cảnh đó, các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã huy động phương tiện và nhân lực để phục vụ công tác ứng cứu. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn, số phương tiện này không đáp ứng được.

TP Hà Tĩnh huy động lực lương, phương tiện của lực lượng quân sự, công an và doanh nghiệp tham gia công tác cứu trợ. Ảnh Nguyễn Oanh

Nhận thấy tình hình khó khăn đó, anh Trần Quốc Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã nhanh chóng đưa vào Hà Tĩnh 10 chiếc mô tô chạy nước, 3 chiếc cano để tham gia cứu hộ.

Anh Lâm cho biết: “Tôi đã cùng với 20 tài công và thợ kỹ thuật vào Hà Tĩnh. Chúng tôi chia làm nhiều nhóm và chia khu vực hoạt động. Mỗi nhóm đều có số điện thoại để người dân tiện liên lạc. Tôi không nhớ, đội của chúng tôi đã chạy bao nhiêu chuyến, tiếp cận bao nhiêu nhà dân để đưa thức ăn, nước uống.

Chúng tôi cũng không nhớ đã giải cứu bao nhiêu người ra khỏi vùng nguy hiểm, chỉ nhớ những giọt nước mắt rưng rưng, những ánh mắt sáng ngời của người dân khi được chúng tôi ứng cứu. Chúng tôi sẽ ở lại Hà Tĩnh đến khi qua cơn hoạn nạn. Điều chúng tôi áy náy nhất là không thể nhận hết tất cả các cuộc gọi của bà con nhưng cũng an tâm là đến thời điểm hiện tại, hầu hết đều đang an toàn”.

Anh Trần Quốc Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) dùng xe mô tô nước đến tận nơi trao quà cho một gia đình bị ngập lụt.

Cũng nắm bắt tình hình thiếu thốn phương tiện mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khi chuyển 500 triệu đồng về cho Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh hỗ trợ đồng bào còn đồng thời chuyển về 2 chiếc ca nô làm phương tiện để vận chuyển. Chị Lê Thị Bích – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhờ có 2 chiếc cano đó mà việc vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các địa chỉ cấp thiết của chúng tôi được nhanh chóng hơn”.

Nhiều xe tải lớn, xe ben của các cá nhân, tổ chức đã tình nguyện hỗ trợ người dân di chuyển, vận tải hàng hóa. Ảnh Đình Nhất

Trong cơn lũ lụt, rất nhiều gia đình ở Hà Tĩnh có phương tiện là xuồng, thuyền cũng đã tình nguyện mang ra cho các lực lượng và người dân sử dụng để sơ tán, vận chuyển lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, hơn 500 chiếc thuyền “dã chiến” của Nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã hỗ trợ đắc lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong tâm lũ. Các gia đình có xe tải cũng luôn sẵn sàng làm “taxi” miễn phí, hỗ trợ các tổ chức từ thiện khi nhận được thông tin cần phương tiện chuyên chở lương thực, thực phẩm.

Thuyền “dã chiến” của người dân Cẩm Xuyên đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình ứng cứu người dân vùng ngập lụt

Bà Nguyễn Thị Hồng - hội viên Chi hội Phụ nữ khối phố Trung Đình, phường Thạch Quý cho biết: “Ngay sau khi thành phố Hà Tĩnh và Cẩm Xuyên bị ngập lụt, chúng tôi đã quyên góp để nấu cháo, nấu cơm từ thiện. Khi biết chúng tôi cần phương tiện vận chuyển cơm, các gia đình có xe tải, xe bán tải trong khối phố đã tình nguyện đến để chuyên chở. Sự chung tay đó khiến chúng tôi cũng cảm thấy ấm áp”.

Tiếp tục quyên góp

“Đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, không để người dân nào thiếu đói” là chỉ đạo chung của lãnh đạo tỉnh khi đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt trong những ngày qua.

Ngày 21/10, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, người Hà Tĩnh trên mọi miền cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ Nhân dân bị thiệt hại. Ngay sau lời kêu gọi, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đăng ký và trực tiếp ủng hộ hơn 11 tỷ đồng.

Sáng 21/10, Công an tỉnh Nghệ An đã đến trao số tiền 500 triệu đồng tới Ban Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh Đình Nhất

Trên các trang facebook, zalo cá nhân và các fanpage của các tổ chức từ thiện, việc kêu gọi, quyên góp vẫn tiếp tục. Họ đồng thời cũng định hướng về nhu cầu của Nhân dân sau lũ để việc từ thiện, hỗ trợ được hợp lý.

Chị Phan Việt Hà - giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) cho biết: “Ngay khi Hà Tĩnh gặp lũ lụt, dự tính được tình hình, tôi và một số bạn đã huy động được hàng ngàn vật dụng cần thiết sau lũ như cặp sách, áo ấm, sách vở, bút… và rất nhiều gạo, mỳ tôm. Hiện nay, chúng tôi đang huy động sự hỗ trợ của các chủ phương tiện để cuối tuần này có thể tiến hành trao cho người dân ở các vùng lũ”.

Hiện nay, chị Phan Việt Hà đã tập hợp được hàng ngàn vật dụng như vở, bút, cặp và một số loại lương thực, thực phẩm thiết yếu để có thể trao cho người dân vùng lũ

Trong cơn lũ lụt, người Hà Tĩnh lại nhắc với nhau nhiều hơn về câu hát “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Thật hạnh phúc khi cái sự “hiểu tận” ấy là nghĩa đồng bào sâu nặng, là sự ấm áp của tình người…

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói