Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò 70 con của anh Phùng Anh Quang ở thôn 5 (xã Ân Phú) luôn phát triển khỏe mạnh.
Là hộ chăn nuôi bò có quy mô lớn trên địa bàn huyện nên ngay khi nhận được thông tin về dịch viêm da nổi cục, anh Phùng Anh Quang (thôn 5, xã Ân Phú) đã áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho đàn bò 70 con của gia đình.
Anh Quang cho biết: “Tôi đã khoanh vùng trang trại, tiến hành phun khử trùng và rắc vôi bột thường xuyên. Bên cạnh đó, tập trung chăm sóc đàn bò, không nhập thêm bò giống để tăng đàn. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh để phòng, tránh và tuân thủ các biện pháp mà cán bộ thú y hướng dẫn hằng ngày”.
Anh Nguyễn Gia Lượng ở thôn Yên Du (xã Đức Lĩnh) phun hóa chất khử trùng tại khu vực nuôi để diệt trừ các mầm bệnh.
Không chỉ tại các trại chăn nuôi quy mô lớn, ở những hộ chăn nuôi số lượng ít, người dân cũng đang tập trung phòng dịch, để đảm bảo an toàn cho đàn trâu, bò.
Anh Nguyễn Gia Lượng (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) cho biết: "Gia đình tôi có 6 con bò, trước diễn biến của dịch bệnh, chúng tôi đã vệ sinh, dọn dẹp lại khuôn viên chuồng trại, sân vườn, phun thuốc khử trùng và tiến hành chăm sóc cẩn thận, bổ sung thêm các loại vitamin, chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi”.
Gia đình ông Lê Văn Chức ở thôn 4 (xã Quang Thọ) rắc vôi bột tại chuồng và xung quanh khu vực nuôi để các mầm bệnh không thể xâm nhập.
Là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn trên địa bàn huyện Vũ Quang với gần 2 nghìn con, ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, chính quyền xã Quang Thọ đã thực hiện nghiêm các biện pháp như: Xử lý môi trường tại khu vực nuôi, hướng dẫn người dân hạn chế chăn thả trâu, bò tập trung tại các sườn đồi...
Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Hùng Cường cho biết: "Chính quyền xã còn thường xuyên tuyên truyền về diễn biến của dịch trên loa phát thanh. Đồng thời, vận động các hộ nuôi tự giác thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng dịch (không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường).
Cùng đó, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các trang trại, hộ nuôi siết chặt quy trình khử trùng tại khu vực nuôi; theo dõi sự phát triển hằng ngày của đàn trâu, bò. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu bất thường phải báo ngay chính quyền để có phương án xử lý".
Bên cạnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, người dân Vũ Quang đã tăng khẩu phần ăn cho đàn trâu, bò để tăng cường sức đề kháng.
Theo ông Võ Quốc Hội - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang: “Hiện tại, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện đạt hơn 13 nghìn con. Ngay khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh, trung tâm đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại; phát quang bụi rậm, phun hóa chất tiêu diệt côn trùng mòng, ruồi, muỗi; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không mua, bán trâu, bò tại các vùng đang có dịch.
Cũng theo ông Hội, nhờ làm tốt công tác phòng dịch nên đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Vũ Quang chưa ghi nhận con trâu, bò nào bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục.