Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX) nuôi ngao thương phẩm ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung xử lý số ngao chết và thu hoạch diện tích ngao khỏe mạnh...

HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu - Lộc Hà) thả nuôi 300 tấn ngao giống từ tháng 5/2022, hiện đang bước vào vụ thu hoạch chính. Tuy vậy, do thời tiết bất lợi, ảnh hưởng của sương muối và mật độ thả nuôi chưa đảm bảo khiến 300 tấn ngao thương phẩm của HTX bị chết, thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng.

Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

HTX Loan Hoan đang tập trung thu hoạch diện tích ngao khỏe mạnh.

Bà Lê Thị Loan - Giám đốc HTX: “Chúng tôi nuôi ngao thương phẩm tại các vùng bãi bồi ven sông Cửa Sót thuộc khu vực các xã Thạch Châu, Đỉnh Bàn và thị trấn Lộc Hà. 2023 là năm thất thu khi chúng tôi phải đối mặt với tình trạng ngao chết và giá cả rẻ. Nếu như năm ngoái, giá ngao 15.000 đồng/kg thì nay HTX chỉ xuất bán với giá 12.000 đồng/kg. Hơn nữa, sức tiêu thụ cũng chậm hơn so với các năm trước. Để khắc phục khó khăn, HTX đã liên hệ với các đối tác cố gắng duy trì lượng hàng nhập ổn định, đồng thời huy động hàng chục công nhân mỗi ngày tập trung thu hoạch để trang trải các chi phí đầu tư”.

Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 5/2023, HTX Loan Hoan sẽ thu hoạch khoảng 1.000 tấn ngao thương phẩm bán đi các thị trường Nghệ An, Quảng Bình, Huế và Đà Nẵng. Để tăng hiệu suất lao động, đảm bảo thu hoạch và sàng lọc sản phẩm theo kích cỡ, đơn vị đã đầu tư 7 máy cào để thu hoạch ngao và 1 máy sàng lọc ngao với tổng chi phí 210 triệu đồng.

Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

HTX Loan Hoan đầu tư máy sàng lọc để tăng năng suất lao động.

Cùng với thu hoạch diện tích ngao khỏe mạnh, HTX đang lên kế hoạch thuê người thu dọn số ngao đã chết; ra quân vệ sinh, xử lý môi trường chuẩn bị nhập giống từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định về thả nuôi lứa mới, phục vụ thị trường năm 2024.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, HTX Nuôi trồng thủy sản, vệ sinh môi trường Hùng Thuận (xã Mai Phụ, Lộc Hà) cũng đang huy động xã viên và thuê thêm lao động tập trung thu hoạch ngao thương phẩm.

Ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc HTX chia sẻ: “Năm nay, lượng lớn ngao thương phẩm đến kỳ thu hoạch bị chết, gây thiệt hại lớn cho HTX. Nếu như những vụ nuôi trước, cứ 1 ha chúng tôi thu về 40 tấn ngao thương phẩm (trị giá khoảng 400 triệu đồng) thì vụ này sản lượng chỉ đạt trên 20 tấn. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, song HTX đang nỗ lực thu hoạch, đảm bảo cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng để có nguồn tiền tiếp tục tái đầu tư vụ mới”.

Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

Năm nay, HTX Hùng Thuận chỉ thu về trên 20 tấn ngao thương phẩm/ha.

Được biết, HTX Hùng Thuận đang thả nuôi ngao trên diện tích 31,4 ha tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ và 10 ha tại một số xã ven biển huyện Thạch Hà. Trong đó, 20 ha đã đạt chất lượng để thu hoạch.

Với diện tích này, dự kiến đến tháng 6/2023, HTX sẽ hoàn tất việc thu hoạch và bắt đầu thả nuôi lứa ngao mới. Theo kế hoạch, để đáp ứng nhu cầu ngao thương phẩm cho thị trường các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, sau khi thu hoạch xong, HTX sẽ thả nuôi từ 300 - 400 tấn ngao giống.

Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

Ngao thương phẩm ở Hà Tĩnh chủ yếu được xuất đi các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tại huyện Lộc Hà và một số địa phương khác đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi không tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn. Cụ thể, việc thả nuôi ngao trên địa bàn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo các khâu theo quy trình kỹ thuật. Người nuôi thường thả mật độ rất dày vì mục đích tăng sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tốc độ phát triển của ngao.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người nuôi ngao cần thực hiện nghiêm các quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Những nơi ngao chết cần thu gom ra khỏi khu vực nuôi và tiêu huỷ, chôn lấp đúng quy định; tuyệt đối không đổ xác ngao ra vùng cửa sông, các nơi cạnh khu vực nuôi...

Người nuôi ngao ở Hà Tĩnh tận thu sau sự cố kỹ thuật

Người nuôi cần thu gom số ngao chết ra khỏi khu vực nuôi và tiêu huỷ, chôn lấp đúng quy định.

"Để đảm bảo ngao phát triển an toàn, tránh thiệt hại, người nuôi phải cải tạo bãi nuôi, phơi bãi đúng quy trình kỹ thuật; chọn giống uy tín, đồng đều về kích cỡ, được kiểm dịch trước khi chuyển về bãi nuôi. Người nuôi cần thả mật độ con giống phù hợp từ 150 - 350 con/m2, kích cỡ giống tốt nhất từ 400 - 500 con/kg; không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn…" - bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) khuyến cáo.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.