Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn, Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Phong Lê, người có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Du - Truyện Kiều.
Giáo sư Phong Lê. (Ảnh: Minh Thành)
P.V: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về các giá trị Nguyễn Du để lại trong hiện tại và mai sau?
GS. Phong Lê: Các giá trị của Nguyễn Du ngày càng tỏa sáng trên nhiều mặt đời sống tinh thần của dân tộc trong bối cảnh thời đại. Bởi khi các mối giao lưu được mở rộng của thời kỳ hội nhập thì Nguyễn Du vẫn là người đứng ở hàng đầu sự hiện hữu như một biểu trưng kết tinh tâm hồn Việt, tính cách Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, ngôn ngữ Việt... Một hiện hữu không lúc nào khuất lấp hoặc nhòa mờ, trong tâm trí bất cứ ai là người dân Việt trong suốt hơn 200 năm qua...
Hơn 200 năm, một giá trị của ngôn từ, của tiếng Việt nơi Nguyễn Du được đúc kết thật là sâu sắc, thấu đáo trong bộ Từ điển các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở (văn học, nghệ thuật, triết học, khoa học, âm nhạc) của Hiệp hội biên soạn từ điển và Bách khoa toàn thư xuất bản ở Paris năm 1953: “Ở vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về với tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay chưa có tác giả nào vươn tới được”.
Hình ảnh Nguyễn Du thời trẻ, được khắc họa trong phim tài liệu nghệ thuật "Đại thi hào Nguyễn Du". Ảnh: Thiên Vỹ
Di sản Nguyễn Du để lại cho chúng ta là cực kỳ phong phú. Bởi thiên tài Nguyễn Du cũng được phát hiện trên nhiều chiều cạnh. Ngoài công việc khảo sát các văn bản Nôm, trong đó trung tâm là Truyện Kiều vẫn còn đang được tiếp tục thì việc tiếp cận giá trị Nguyễn Du trên các thao tác của phong cách học, thi pháp học, ngôn ngữ học, tu từ học, loại hình học, khoa học so sánh, thống kê... càng đem lại nhiều hứng thú mới cho việc đọc Nguyễn Du. Như vậy là trên cả 2 chiều rộng và sâu cho sự tiếp nhận và quảng bá di sản Nguyễn Du thời hiện đại đã đưa lên tầm cao những giá trị mà nghệ thuật văn chương có thể chuyển tải.
Ông là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh. Đó là vào tháng 12/1964, tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765-1965). Cũng chính ông, lần thứ hai được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh vào năm 2015 (nhân 250 năm sinh), sau 2 tác giả khác là Nguyễn Trãi (năm 1980 - nhân 600 năm sinh) và Hồ Chí Minh (năm 1990 - nhân 100 năm sinh).
Khu di tích Nguyễn Du tại thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân).
Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du là một tác gia lớn với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao. Trước hết, đó là 3 tập thơ chữ Hán: “Thanh Hiên thi tập” (78 bài), “Nam trung tạp ngâm” (34 bài), “Bắc hành tạp lục” (131 bài) in rất đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với “Văn tế thập loại chúng sinh”, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh; trước đó là 2 tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: “Thác lời trai phường nón” và “Sinh tế Trường Lưu nhị nữ”.
Hơn ai hết, Nguyễn Du là bậc thầy tuyệt vời nhất, là đại diện sáng giá nhất cho tất cả những ai chọn nghề viết văn, làm thơ, tức là chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề và nghiệp của mình.
P.V: Giáo sư có thể nói rõ hơn những giá trị to lớn, tầm vóc của Nguyễn Du qua Truyện Kiều - thi phẩm chữ Nôm được hàng triệu người yêu mến?
GS. Phong Lê: Chỉ với thơ chữ Hán và chữ Nôm, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác gia tiêu biểu của văn chương Việt trung đại. Thế nhưng, Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều; và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Và với tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới.
Trò Kiều - một hình thức nghệ thuật dân gian được tiếp biến từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt. Truyện Kiều toát lên chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3.254 câu thơ, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là một khúc “nam âm tuyệt xướng” sau “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi ngót 400 năm. 3.254 câu với 22.778 chữ, gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi, có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất mang hình chữ S này.
Trong toàn cảnh sự kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ. Nguyễn Du đã xây dựng được một thế giới nhân vật sống động làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều.
Biết bao nhiêu là nhân vật, có tên và không tên, đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của biết bao thế hệ công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... Mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên... Rồi còn là các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì”...
Hai chữ tâm và tài Nguyễn Du đặt ở cuối Truyện Kiều là hai câu “kinh điển”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ.
Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy” và giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.
Đoàn du khách nước ngoài tham quan Khu di tích Nguyễn Du.
Truyện Kiều là truyện cho muôn người, cho mọi nhà và cho mọi thời. Đọc Truyện Kiều, dường như ai cũng thấy số phận của mình trong đó, để giải thích hiện tượng tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... trong hơn 200 năm qua. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người bây giờ. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm hôm nay - năm 2023, cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi của Nguyễn Du, mà là: “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du”, như khẳng định của Tố Hữu.
P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết một số kỷ lục về Truyện Kiều?
GS. Phong Lê: Tháng 9/2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã xác lập 5 kỷ lục cho Truyện Kiều:
1. Thi phẩm duy nhất có nhiều câu thơ được sử dụng để kết hợp lại thành nhiều bài thơ mới: đây là kỷ lục trao cho hiện tượng “tập Kiều”; 2. Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ - Truyện Kiều có 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884-1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc - Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài...; 3. Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất; 4. Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược; 5. Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều.
P.V: Xin cảm ơn ông!