Nông dân Hà Tĩnh tập trung gieo trồng, “khép” thời vụ cây trồng cạn vụ xuân

(Baohatinh.vn) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh đang vừa tập trung hoàn thành gieo trỉa và vừa tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với các loại cây trồng cạn chủ lực của vụ xuân 2023.

Sản xuất lạc trên cánh đồng tập trung của thôn Minh Quý (xã Thạch Châu, Lộc Hà).

Những ngày này, cánh đồng tập trung của thôn Minh Quý (xã Thạch Châu, Lộc Hà) náo nhiệt hơn hẳn. Thời vụ sản xuất không còn nhiều (kết thúc vào cuối tháng 2) nên máy móc và sức người đang được huy động để gieo trỉa số diện tích lạc còn lại.

Bà Trần Thị Vân (thôn Minh Quý) chia sẻ: “Năm nay tôi sản xuất gần 1 mẫu lạc nhưng 6 sào gieo trỉa ở vùng đất ướt hơn nên đến nay chúng tôi mới tập trung làm đất, xuống giống được. Phấn đấu trong 1 - 2 ngày tới là sẽ xong. Qua nhiều năm sản xuất lạc trên đất này, nhận thấy giống lạc L14 phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ. Hi vọng thời tiết sẽ thuận lợi để tôi không phải gieo trỉa lại nhiều lần”.

Các vùng trọng điểm sản xuất lạc của huyện Lộc Hà là xã Thịnh Lộc (180 ha), thị trấn Lộc Hà (197 ha), xã Thạch Châu (196 ha)...

Tại thị trấn Lộc Hà, bà con cũng đang hối hả để hoàn thành diện tích sản xuất cây trồng cạn trong khung lịch thời vụ. Gia đình anh Phan Xuân Lưu (tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) còn gần 3 sào khoai lang cần xuống giống. Anh Lưu cho biết: “Tranh thủ đất khô ráo trước đợt gió mùa về, từ sáng sớm, 3 thành viên trong gia đình đã ra bãi để làm việc. Chúng tôi vừa làm đất vừa gieo trỉa luôn”.

Theo ông Phan Văn Thanh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, vụ xuân năm nay, huyện sản xuất hơn 1.400 ha cây trồng cạn, trong đó chủ yếu là lạc (hơn 960 ha). Các vùng trọng điểm sản xuất lạc là xã Thịnh Lộc (180 ha), thị trấn Lộc Hà (197 ha), xã Thạch Châu (196 ha), xã Thạch Mỹ (115 ha)... Đến nay, địa phương đã xuống giống được khoảng 93,7% diện tích lạc, 70% với cây khoai lang, 66,7% đối với cây rau các lại, số còn lại đang được thực hiện trong tuần này.

Các địa phương đã hoàn thành xuống giống hơn 1.000/1.500 ha khoai lang.

Vụ xuân 2023, huyện Hương Khê là một trong những địa phương có diện tích gieo trỉa lạc xuân thuộc tốp đầu toàn tỉnh (trên 1.000 ha). Hiện nay, tiến độ gieo trỉa mới đạt hơn 50% kế hoạch, huyện và địa phương đang đốc thúc bà con bám đồng sản xuất.

Ông Trần Đức Toán (thôn 8, xã Hà Linh, Hương Khê) có 5 sào đất sản xuất lạc ở vùng địa hình thấp hơn các nơi khác. Ông Toán cho hay: “Nay tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tôi huy động máy làm đất, sau đó lên luống cao, như vậy sẽ giúp thoát nước tốt, đất có độ ẩm vừa đủ mới xuống được giống. Như vậy, cây mới nảy mầm đồng đều hơn”.

Một số diện tích ngô tại huyện Nghi Xuân đã nhiễm bệnh đốm lá nhỏ, bà con cần chủ động phun phòng trừ.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ gieo trồng theo kế hoạch, bà con nông dân cũng tích cực bám đồng để chăm sóc số cây trồng đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh.

Thành công từ việc đưa các giống ngô lai mới như: DK 6919S, 6955S… vào sản xuất đã giúp huyện Nghi Xuân thực hiện vượt 180 ha so với kế hoạch gieo trồng trong vụ xuân năm 2023 (đạt hơn 680 ha), tập trung ở các xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Thành,…

Chị Trần Thị Thanh (thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên) cho biết: “Đợt này, bà con nông dân toàn thôn đang tranh thủ ra đồng chăm sóc, bón phân và theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây ngô vụ xuân. Năm nay, gia đình tôi gieo trỉa gần 5 sào, một số diện tích có nhiễm bệnh đốm lá nhỏ nên sau khi được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tôi đã chủ động thực hiện phun phòng trừ”.

Hiện nay, các loại cây trồng vụ xuân đang được bà con nông dân tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa theo lịch thời vụ và tiến hành chăm sóc, bón thúc.

Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Hà Tĩnh đã xuống giống được hơn 5.900/8.900 ha lạc (đạt 66,3% kế hoạch), hơn 5.200/5.300 ha ngô (đạt hơn 97% kế hoạch), hơn 1.000/1.500 ha khoai lang, 4.200/ 5.700 ha rau các loại (đạt 74,4% kế hoạch).

Hiện nay, các loại cây trồng vụ xuân đang sắp hết thời vụ xuống giống, bà con nông dân đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa; đồng thời, chăm sóc, bón thúc cho những diện tích đã bắt đầu bước vào kỳ sinh trưởng. Các địa phương cần khuyến cáo bà con chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại (chủ yếu là sâu đục thân, đốm lá ở cây ngô, lở cổ rễ, héo xanh, héo vàng ở lạc…), đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Trí Hà
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói