Những ngày này, trên đồng muối xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) nắng như đổ lửa. “Được nắng, được muối” nên bà con diêm dân rất hăng say sản xuất với các phần việc quen thuộc như: xe đất, phơi đất, chắt nước, đưa nước lên ô nại...
Ông Nguyễn Công Huy (thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu) cần mẫn xe đất, phơi đất.
Lau vội mồ hôi trên trán, ông Nguyễn Công Huy (thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu) cho biết: “Tôi có 2 sào ruộng muối. Những ngày này, vợ chồng tôi làm từ 5 giờ đến 9 giờ thì nghỉ. Trưa, ăn cơm tại chòi, nghỉ đến tầm hơn 12 giờ lại ra làm tiếp. Trời có nắng thì muối mới được mùa nên nắng đến mấy chúng tôi vẫn ra sức bám đồng sản xuất. Để tiện cho việc nghỉ ngơi, tôi dựng sẵn chòi nghỉ giải lao, chuẩn bị nước uống đầy đủ ”.
Đang thoăn thoắt cào muối, bà Nguyễn Thị Hà (thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu) dừng tay chia sẻ: "Đến nay, hầu hết các hộ hoàn thành cải tạo lại đồng, sửa lại dạt, ô nại và bắt đầu sản xuất. Tôi làm từ buổi sáng, xuyên trưa không nghỉ nên giữa buổi chiều đã có muối thu hoạch. Để chống nắng có thời điểm lên đến 39 độ C, tôi mặc áo bảo hộ, trùm kín người. Nắng thế này chứ nắng nữa, tôi cũng bám ruộng sản xuất”.
Được biết, làng nghề muối thôn Châu Hạ hiện có 14 ha diện tích sản xuất muối với 124 hộ/421 người tham gia.
Bà con diêm dân thường mặc nhiều lớp áo, đội mũ để bảo vệ cơ thể.
Đầu tháng 4 là thời điểm lạc xuân bước vào thời kỳ đâm tia, kết trái. Đây cũng là lúc bà con nông dân tại các địa phương: Lộc Hà, Đức Thọ, Can Lộc... tất bật công đoạn chăm sóc cây trồng. Để đảm bảo năng suất và bảo vệ sức khỏe, bà con nông dân đều chọn cách thay đổi thời gian ra đồng.
Bà Trần Thị Thúy (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu) chủ động làm sớm hơn, nghỉ muộn hơn trong ngày nắng nóng.
Bà Trần Thị Thúy (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Nhà tôi có 5 sào lạc. Hiện, 4 sào đã được xới xáo và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; 1 sào còn lại sẽ hoàn thành trong vài ngày tới. Những ngày này, trời nắng nóng nên tôi chủ động làm sớm hơn mọi khi. Trước đó, buổi sáng tôi làm từ 7 - 11 giờ thì nay tôi bắt đầu công việc từ 5 - 9 giờ; buổi chiều từ 16 - 18 giờ. Mỗi ca làm việc nghỉ giải lao 15 phút, hôm nào nắng quá thời gian nghỉ sẽ dài hơn”.
“Trước khi ra đồng, tôi phải chuẩn bị thêm áo chống nắng, găng tay, khẩu trang. Ngoài ra, tôi cũng uống các loại nước lá giải nhiệt. Công việc vất vả nhưng nhìn sào lạc sinh trưởng và phát triển tốt là yên tâm rồi”, ông Nguyễn Văn Nam (thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) bày tỏ.
Nhằm thích ứng thời tiết nắng nóng đầu mùa, hiện nông dân Hà Tĩnh ra đồng từ sáng sớm để tránh nắng.
Hiện nay, trà lúa sớm trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn phân hóa đòng. Để chăm sóc lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao, hạn chế các loại dịch bệnh, bà con nông dân đang tích cực bám đồng.
Ông Phan Huy Hải (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt với điều kiện thời tiết chuyển mùa nên ngày nào tôi cũng chủ động ra đồng kiểm tra từ sáng sớm. Tôi ra đồng lúc 5 giờ sáng nên cũng tránh được nắng nóng".
Để đảm bảo công việc thường nhật giữa thời tiết nắng nóng, người dân nên bố trí thời gian làm việc hợp lý; hạn chế làm việc trong thời gian dài hoặc liên tục ở trong môi trường nhiệt độ cao. Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc ngoài trời thì cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp; sau khoảng 30 phút đến 1 giờ nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát; cần uống nước đều đặn, uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.