Những ngày này, các cánh đồng trồng vừng vụ hè thu sớm ở Hương Khê bắt đầu cho thu hoạch.
Với đặc điểm không kén đất và có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 75 ngày) lại chịu hạn tốt nên ở những vùng cao cạn, nông dân Hương Khê đã gắn bó với cây vừng đen từ lâu.
Vụ hè thu 2021, toàn huyện Hương Khê trồng 250 ha vừng, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Linh, Điền Mỹ, Hoà Hải… Trong đó, chủ yếu diện tích vừng gieo trỉa vào đầu tháng 6, tuy nhiên, nhiều nông dân cũng gieo sớm từ tháng 4, tháng 5.
Khi đến kỳ thu hoạch, cây vừng đen sẽ tự rụng lá, thân, quả khô lại.
Anh Trần Văn Tỏa, chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn 4, xã Hà Linh năm nay trồng 6 sào vừng.
Theo chị Phượng, vừng năm nay năng suất cao, sản lượng đạt khoảng 60 kg/sào. Với giá bán từ 55-60 nghìn đồng/1 kg, mỗi sào cho giá trị kinh tế khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. So sánh tại địa phương, vừng là cây có giá trị kinh tế nhất trong vụ hè thu.
Theo đề án sản xuất vụ hè thu của huyện Hương Khê, địa phương sản xuất khoảng 250 ha vừng, phấn đấu năng suất đạt khoảng 10 tạ/ha, sản lượng 250 tấn.
“Cây vừng ưa nắng, tuy nhiên, để dễ tách hạt thì bí quyết là thu hoạch khi trời mát như sáng sớm hoặc chiều tối” - anh Trần Văn Tỏa, thôn 4, xã Hà Linh chia sẻ.
Vừng sau khi thu hoạch cần ủ khoảng 1 ngày rồi phơi nắng. Trời càng nắng gắt thì người dân càng vui mừng vì vừng nhanh nẻ, tách hết hạt và vỏ.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn 4, xã Hà Linh (Hương Khê) năm nay trồng 6 sào vừng vụ hè thu sớm. Dự kiến sẽ cho thu nhập hơn 15 triệu đồng.
Chị Hà cho biết, kỹ thuật làm vừng không khó nhưng đòi hỏi sự tỷ mẩn. Vất vả nhất là khi phơi vừng, người dân cần phải đảo để vừng khô đều, nhanh tách hạt...
“Nhìn chung, trồng vừng vẫn tương đối nhàn hơn so với nhiều cây trồng khác như lạc, đậu; so về kinh tế thì có lợi hơn cả cây ngô, lúa... ” - chị Hà nói.
Qua đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Hương Khê, hiệu quả kinh tế từ cây vừng cao gần gấp đôi giá trị của cây đậu xanh (cũng là cây chủ lực vụ hè thu) đặc biệt là khả năng chịu hạn cao.
Sau khi tách hạt, người nông dân cần làm thêm một số công đoạn như gấm, sàng... để làm sạch vừng.
Theo tư liệu khoa học, hạt vừng có chứa lượng tinh dầu rất cao, chiếm khoảng 50%, hàm lượng protein khoảng 20%, ngoài ra còn có canxi oxalat, lexitin, phytin, pentozan, cholin. Dầu vừng chứa hàm lượng axit béo không no rất cao - tốt cho sức khoẻ. Trong đông y, hạt vừng đen có tên thuốc là hắc chi ma, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo, bổ ngũ tạng, hư nhược, ích khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, thêm thông minh...