Nông dân Thạch Châu cấy dắm một số diện tích lúa đã bị hư lầy cục bộ do mưa rét.
Những ngày này, bà Phan Thị Hiên (thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu) đang tranh thủ ra đồng để cấy dắm lại một số diện tích lúa vụ xuân bị hư hỏng do các đợt mưa rét kéo dài vừa qua.
Bà Hiên cho biết, vụ này gia đình bà làm 6 sào lúa và đã hoàn thành việc gieo cấy cách đây 5 ngày. Tuy nhiên, do thời tiết bất thuận, các đợt mưa rét diễn ra liên tiếp nên lúa ở một số thửa ruộng sâu, bị ngập nước, cấy trước tết Nguyên đán đã bị chết rét, hư lầy cục bộ buộc phải dắm vá lại. Khoảng 4 ngày tới, bà sẽ hoàn thành việc dắm mạ, làm cỏ, lấy nước trước khi đợt mưa rét mới kéo đến.
Tạm ngừng việc xuống giống, nông dân thị trấn Lộc Hà tập trung làm cỏ và chăm sóc diện tích lạc đã làm.
Là một người sản xuất nhiều lạc xuân nên ông Nguyễn Nhi (73 tuổi, ở TDP Khánh Yên, thị trấn Lộc Hà) đang khá lo lắng vì 8 sào lạc đã xuống giống của gia đình nảy mầm không đều (đạt 80 – 90%), số trỉa trước tết Nguyên đán cây khẳng khiu, lá nhỏ, bắt đầu có dấu hiệu quăn lá, lá bị vàng do ảnh hưởng của các đợt mưa rét liên tục.
Theo kinh nghiệm hơn 50 năm làm lạc của ông Nhi thì những dấu hiệu trên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, khi thu hoạch củ cũng sẽ ít và nhỏ nên năng suất, sản lượng thấp.
Ông Nhi cho chia sẻ: “Năm nay, tôi làm 11 sào lạc và hiện còn 3 sào chưa xuống giống. Tôi khá lo lắng cho số diện tích lạc đã xuống giống nên những diện tích còn lại phải tạm dừng trỉa, chờ qua đợt rét tới (dự báo từ ngày 19 - 24/2) mới làm, chấp nhận chậm thời vụ để đảm bảo an toàn. Còn trong những ngày khô hanh hiếm hoi này chúng tôi sẽ tập trung thăm đồng, làm cỏ, trỉa dắm (giống đã ủ nảy mầm) và vùn gốc một số thửa ruộng xuống giống sớm”.
Một số diện tích lạc nảy mầm không đều, lá nhỏ, thân yếu khiến ông Nguyễn Nhi và một số nông dân ở Lộc Hà không yên tâm, phải tập trung chăm sóc.
Tương tự, tranh thủ những ngày này, chị Trần Thị Tới (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cũng gác lại toàn bộ công việc khác để đi kiểm tra tình hình đồng ruộng sau các đợt mưa rét đã qua. Gia đình chị tạm dừng việc làm đất xuống giống ngô, đậu, rau… để làm cỏ và trỉa dắm 7 sào lạc trước khi đợt rét mới kéo đến.
Dù các ruộng lạc của gia đình phát triển kém hơn bình thường nhưng theo khuyến cáo của chính quyền và ngành nông nghiệp nên chị Tới chưa vội bón các loại phân, đạm ngay vì sợ cây trồng bị chết hoặc nấm tấn công sau đợt mưa rét, sương mù.
Tranh thủ những ngày thời tiết hanh khô, nông dân Thịnh Lộc ra đồng dắm lạc .
Vụ xuân năm 2022, huyện Lộc Hà kế hoạch sản xuất 6.148 ha cây trồng các loại, trong đó: cây lúa 3.249 ha, cây lạc 1.003 ha, rau, đậu 299 ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Ngoài diện tích rau được làm theo hình thức cuốn chiếu thì lúa đã hoàn thành 100% diện tích, lạc đạt gần 80% diện tích, còn ngô, đậu và các loại cây trồng khác chưa xuống giống.
Vì thời tiết bất thuận, nhất là sắp phải chịu một đợt rét đậm mới nên hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn đang tạm dừng việc xuống giống để ưu tiên việc lấy nước cho ruộng lúa, làm cỏ cho lạc, dắm vá các diện tích bị hư hại, diệt chuột bọ, kiểm tra sâu bệnh…
Hạn chế cây trồng bị ảnh hưởng của đợt rét tới, nông dân Lộc Hà ưu tiên tối đa chăm sóc, làm cỏ, dắm vá các diện tích đã xuống giống.
Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Để giảm thiểu ảnh hưởng thiệt hại do thời tiết và hướng tới một vụ mùa thắng lợi, chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho bà con ngay từ khâu xác định khung thời vụ, làm đất, xuống giống đến chăm sóc các loại cây trồng.
Riêng đối với cây lạc trong giai đoạn mưa rét này, chúng tôi nhắc nhở bà con chỉ nên tập trung thăm đồng, làm cỏ, chăm sóc, bảo vệ trước chuột bọ và sâu bệnh. Khuyến cáo người dân không xuống giống trong điều kiện thời tiết mưa rét đậm và chưa vội bón phân, đạm, kali vì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển, gây hư hại cây trồng vì cây đang ở giai đoạn yếu”.