Công phu xây dựng sản phẩm cam Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhờ thực hiện quy trình khép kín từ trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản đến liên kết với các cửa hàng đại lý trong, ngoài tỉnh, sản phẩm cam Hà Tĩnh đã ngày càng vươn xa.

Chú trọng sản xuất thâm canh

Công phu xây dựng sản phẩm cam Hà Tĩnh

Đến cuối năm 2019, diện tích cam toàn tỉnh đạt 6.023 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 4.000 ha.

Những năm gần đây, Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào phát triển cây có múi, đặc biệt là cây cam nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất đồi tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh…

Đến cuối năm 2019, diện tích cam toàn tỉnh đạt 6.023 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 4.000 ha, với năng suất trung bình đạt 10-12 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 43.000 tấn. Đối với những vườn cam thời kỳ kinh doanh cho quả ổn định có thể đạt 200-500 triệu đồng/ha/năm. Cây cam được coi là cây làm giàu cho các hộ dân vùng miền núi Hà Tĩnh.

Nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung vào phát triển đối tượng cây con chủ lực, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hướng đến việc khuyến khích, áp dụng sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và thâm canh. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều trang trại quy mô lớn từ hàng chục đến hàng trăm ha.

Các chủ trang trại trồng cam đã tăng cường áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học; áp dụng quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây có múi, dùng bẫy bả sinh học, sử dụng bao trái, mắc màn cho cam....

“Nếu nhà vườn biết áp dụng tốt quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch thì 1 ha cam sẽ cho năng suất 15-17 tấn; chất lượng quả ngon hơn và giá thành sẽ cao hơn 10-15% so với cam cùng loại trên thị trường” - anh Lê Phương, chủ trang trại cam đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc) khẳng định.

Theo kế hoạch, đến hết năm nay sẽ có khoảng 200 cơ sở sản xuất cam trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, nhiều sản phẩm nằm trong nhóm đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Công phu xây dựng sản phẩm cam Hà Tĩnh

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn cán bộ Trung tâm khuyến nông Quốc gia kiểm tra mô hình cam thâm canh thuộc dự án khuyến nông quốc gia do gia đình anh Lê Phương, chủ trang trại cam ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc) thực hiện.

“Việc phát triển nhanh diện tích trồng cam ở Hà Tĩnh thể hiện 2 mặt rõ nét, vừa khơi dậy tiềm năng, khát vọng vươn lên làm kinh tế của nông dân Hà Tĩnh vừa minh chứng chính sách của tỉnh, huyện đủ mạnh, góp phần giúp bà con tháo gõ khó khăn về giống, quy trình canh tác, hướng đến sản xuất an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững chúng ta đừng phá vỡ quy hoạch, đừng phát triển “nóng” – ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo.

Theo ông Thanh, đã đến lúc người trồng cam cần “tỉnh táo” khi quyết định mở rộng diện tích mà thay vào đó là tập trung thâm canh; làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, sản xuất sản phẩm chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn và thị trường tiêu thụ bền vững hơn.

Liên kết là xu thế tất yếu

Công phu xây dựng sản phẩm cam Hà Tĩnh

Sản phẩm cam chất lượng cao của Công ty TNHH Tân Thanh Phong (huyện Hương Khê) đã chính thức được bày bán tại hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nội với các trung tâm thương mại nổi tiếng như: Times city, Royal city, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Thăng Long, Vincom Trần Duy Hưng.

Từ chỗ kinh doanh giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, Công ty TNHH Tân Thanh Phong, huyện Hương Khê đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cam, bưởi với tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 300 ha.

Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thanh Phong cho biết, những năm gần đây, ngoài việc cải thiện chất lượng giống cam, đơn vị lựa chọn, ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi cho hàng nghìn hộ dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà.

Theo đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng đầu vào như cây giống, phân bón, bao quả… và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5 – 15% tùy vào chất lượng sản phẩm. Người dân đảm nhận khâu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.

“Hiện, 160/300 ha cam liên kết đã cho thu hoạch, sản lượng tiêu thụ từ đầu vụ đến nay đạt hơn 800 tấn. Toàn bộ sản phẩm sau khi thu mua được bảo quản, sơ chế, phân phối đến siêu thị Vinmart, chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp tại Hà Nội, Nghệ An…”, ông Dũng nói.

Công phu xây dựng sản phẩm cam Hà Tĩnh

Để thương hiệu cam Hà Tĩnh ngày càng vươn xa, những năm qua, Hà Tĩnh đã tổ chức các Lễ hội Cam và tham gia các hội chợ nông nghiệp toàn quốc

Đến nay, tại Hà Tĩnh có 13 trang trại thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp để thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm và liên kết với các cửa hàng đại lý trong, ngoài tỉnh.

Nhờ đó, sản phẩm cam Hà Tĩnh đã, đang ngày càng vươn xa ra nhiều thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.

“Xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực tế, việc liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Vì vậy, các địa phương cần phát huy, nhân rộng hình thức liên kết chuỗi này” - ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh 2020

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast