4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong lịch sử Việt Nam có không ít danh nhân nổi tiếng sinh năm rồng. Nhân dịp xuân Giáp Thìn, cùng Báo Hà Tĩnh tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của 4 nhân vật lịch sử tuổi rồng ở miền quê núi Hồng - sông La.

Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Sinh năm 1724 (Giáp Thìn) tại quê cha ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy vậy, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê ngoại - vùng đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1746, khi mới 22 tuổi, nhân việc người anh trai cả mất, Lê Hữu Trác xin từ quan về quê mẹ ở làng Tình Diệm (Hương Sơn) chịu tang anh, chăm sóc mẹ già và các cháu. Tại đây, ông bắt đầu học nghề thuốc và hành nghề chữa bệnh cứu người cho đến lúc mất (năm 1791).

Trong cuộc đời 45 năm nghiên cứu về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế nhiều công trình, tác phẩm giá trị như: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, “Thượng kinh ký sự”, “Nữ công thắng lãm”... Trong đó, ông đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân.

Ngày 21/11/2023, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 42 C/15 cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người" và tinh thần “học tập suốt đời”.

Tổng Bí thư Trần Phú

4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu.

Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam sinh năm 1904 (Giáp Thìn) trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dự thảo bản Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng, xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị BCH Trung ương (tháng 10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, khi mới 26 tuổi.

Năm 1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn. Sống trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù thực dân, chịu đựng mọi thủ đoạn tra tấn tàn độc của kẻ thù, đồng chí Trần Phú vẫn một lòng son sắt thủy chung với Đảng. Trong ngục tối của kẻ thù vẫn mãi sáng ngời khí tiết của một chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên trung. Trước giờ vĩnh biệt đồng chí, đồng bào thân yêu, đồng chí Trần Phú đã truyền lại khí phách của người cộng sản Việt Nam, dồn toàn bộ tâm huyết, trí lực vào một lời vừa giản dị, vừa cao thượng, ngắn gọn, súc tích, đủ sức lay động mọi trái tim của đồng chí, đồng bào: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh

4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

Danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Sinh năm 1892 (Nhâm Thìn), tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà (nay là phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh).

Ông được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại. Lần đầu tiên công chúng Pháp và quốc tế biết đến tranh lụa Việt Nam là qua bút pháp của Nguyễn Phan Chánh. Đó là triển lãm ở Thủ đô Paris (Pháp) năm 1931, khi một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được ông Victor Tardieu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mang ra giới thiệu.

Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng khoảng trên 170 tác phẩm. Những bức họa nổi tiếng của ông là: “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Thợ nhuộm”, “Em bé cho chim ăn”, “Người bán gạo”... Tên tuổi của ông vẫn luôn được những người say mê hội họa nhắc đến với một niềm cảm phục và sự trân trọng đặc biệt.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh mất năm 1984, được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Nhà thơ Xuân Diệu

4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

Thi sĩ Xuân Diệu.

Sinh năm 1916 (Bính Thìn), tên thật là Ngô Xuân Diệu, bút danh Trảo Nha, quê ở làng Trảo Nha, xã Đại Lộc, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Ông sinh ra tại quê mẹ ở làng Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới,” “ông hoàng của thơ tình”. Gần 70 năm có mặt với đời và hơn nửa thế kỷ dâng hiến cho thơ ca, Xuân Diệu đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, có giá trị lâu dài, ở nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, phê bình nghiên cứu, báo chí, dịch thuật... Ở thể loại nào ông cũng giành được những thành tựu lớn, mang đậm dấu ấn riêng.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1983, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (năm 1996). Tên của ông đã trở thành tên nhiều con đường, trường học trong cả nước.

4 danh nhân tuổi Thìn nổi tiếng của Hà Tĩnh

Chủ đề MỪNG XUÂN GIÁP THÌN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast