Núi Hồng, sông Lam và sự tài hoa của ngôn từ

(Baohatinh.vn) - Núi Hồng, sông Lam không chỉ là danh thắng nức tiếng từ xưa mà còn gắn kết chặt chẽ với nhau làm nên biểu tượng trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người Hà Tĩnh. Ở mọi thời đại đều có những bài thơ hay, những nhà thơ nổi tiếng viết về núi sông ở nơi này.

Núi Hồng, sông Lam và sự tài hoa của ngôn từ

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày mới tái lập tỉnh (nhà thơ Xuân Hoài đứng thứ 7 từ trái sang). Ảnh: vanhocnghethuathatinh.org.vn

Với nhà thơ Xuân Hoài, một người am hiểu và gắn bó sâu nặng với quê hương Hà Tĩnh, trong tâm thức thơ của ông dường như luôn sẵn có một “cái tứ lớn” về núi Hồng, sông Lam và mảnh đất địa linh nhân kiệt, chỉ chờ giây phút “xuất thần”, thăng hoa của cảm xúc để được thoát thai, cất cánh bằng câu từ mà thôi. Có thể nói như vậy bởi vẻ đẹp và “sức tải lớn” của một bài thơ ngắn gọn ông viết về sông Lam, Hồng Lĩnh. “Núi Hồng sông Lam” chỉ có 12 câu thơ ngũ ngôn nhưng ý tình chan chứa…

Núi Hồng, sông Lam và sự tài hoa của ngôn từ

Núi Hồng, sông Lam không chỉ là địa danh mà còn gắn liền với văn hóa Hồng Lam, với mạch nguồn lịch sử vùng đất Xứ Nghệ. Ảnh: Đậu Hà

Đặt ra một giả thiết trái ngược, phủ nhận lại một chân lý bất biến, một điều đã trở nên tất yếu và hiển nhiên nhằm khẳng định tiếp về sự tất yếu và chân lý đó, là một lối tư duy khá phổ biến, trong thơ nó cũng được vận dụng khá nhiều và hiệu quả. Bằng cách này, Xuân Hoài đã triển khai được “tứ thơ lớn” mà ông vẫn ấp ủ, hoài thai. Những câu thơ được dẫn đi một cách tự nhiên, nhẹ nhõm. Và những suy cảm, chiêm nghiệm, cứ thế nhẹ nhàng đi vào tâm trí của mọi người:

Nếu không có sông Lam

Núi Hồng buồn biết mấy

Núi Hồng không đứng đấy

Sông Lam trong cũng thừa.

Núi Hồng/sông Lam tự bao đời đã hình thành ở đó. Thiên nhiên vô tình hay hữu ý thì sông núi cũng đã hiện diện như một vẻ đẹp không thể tách rời gắn với đời sống con người, đi vào đời sống tâm linh, tinh thần, trở thành một phần tâm hồn của con người xứ sở.

Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy…, giả thiết và lối tư duy rất thơ đó đã nói lên được hết thảy những cảm nhận và thấm thía của con người Xứ Nghệ về vẻ đẹp sông núi xứ mình, về sự gắn kết, hòa điệu và cân xứng mà thiên nhiên đã tạo tác, ban tặng cho vùng đất.

Những khúc hát đò đưa

Thả neo vào quá khứ

Bao buồn vui lịch sử

Nghĩa tình ôi chứa chan…

Với thể thơ 5 chữ, lại áp dụng cho một tứ thơ, một đề tài mang “tầm sử thi” như núi Hồng/sông Lam, nhà thơ phải có một khả năng vận dụng ngôn từ với sức tải ngữ nghĩa và sức biểu cảm tối đa. Nói cách khác, phải có độ nhạy cảm cao trong những mối liên tưởng để đạt đến “ý tại ngôn ngoại”. Câu thơ sắc sảo và tài hoa của Xuân Hoài đã diễn đạt những điều lớn lao đó: “Những khúc hát đò đưa/Thả neo vào quá khứ”.

Núi Hồng, sông Lam và sự tài hoa của ngôn từ

Chân dung nhà thơ Xuân Hoài. Ảnh Internet

Hiện tại và quá khứ lịch sử được làm sống dậy từ ký ức một dòng sông. Hào hùng và bi thương, “bao buồn vui lịch sử” được nối kết với hiện tại từ khúc hát đò đưa trên sông “thả neo” vào rộng dài quá khứ. Nếu không có vốn hiểu biết sâu rộng của một nhà giáo, một người hoạt động văn hóa, văn nghệ cộng với một hồn thơ tài hoa, tinh tế, Xuân Hoài đã không thể triển khai, “xử lý” được “nội dung sử thi” khá đồ sộ chỉ bằng vào khổ thơ ngắn.

Xuân Hoài trước hết là nhà thơ của quê hương xứ sở. Lòng tự hào, yêu mến mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất của ân nghĩa thủy chung luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong thơ ông. Tình yêu và sự am hiểu đủ lớn, đủ sâu rộng để kết đọng lại bằng những câu chữ, hình ảnh cô đọng và hàm súc, lời ít mà ý nhiều:

Núi Hồng và sông Lam…

Để muôn đời sừng sững

Núi cao cho dáng đứng

Sông dài cho bước đi

Sông, núi muôn đời vẫn vậy. Qua bao thác ghềnh, dòng sông lặng lẽ miệt mài chảy trôi về biển cả. Núi vẫn trùng điệp, uy nghi giữa đất trời. Núi cao, sông dài không chỉ là hình ảnh thực, là thiên nhiên đơn thuần nữa mà trở thành một biểu trưng đầy ý nghĩa về con người và vùng đất nơi đây: Núi cao cho dáng đứng/ Sông dài cho bước đi. Tứ thơ cất cánh bằng một liên tưởng hoán dụ thần tình. Vẻ đẹp, sức nặng của bài thơ đọng lại ở hai câu kết này.

Núi Hồng, sông Lam và sự tài hoa của ngôn từ

Hoàng hôn rơi trên sông Lam. Ảnh: Khánh Thành

Bài thơ “Núi Hồng sông Lam” được nhà thơ Xuân Hoài viết tháng 8/1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, một thời điểm có ý nghĩa. Bài thơ cũng được “cất cánh” một lần nữa khi nhạc sỹ Quốc Việt phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng. Bài thơ - khúc nhạc này đã được cất lên mở màn cho lễ khai mạc kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh. 30 năm bài thơ ra đời, 30 năm đã trôi qua kể từ ngày tái lập tỉnh, bài thơ đi cùng rộng dài quê hương, xứ sở.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast