Tìm di sản trên núi Nam Giới

(Baohatinh.vn) - Trong thời gian 2 ngày “xuyên núi”, đoàn khảo sát đã đến 4 điểm để lần tìm di sản trên núi Nam Giới (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - nơi được cho là phát tích của Phật giáo Việt Nam.

Tìm di sản trên núi Nam Giới

Đoàn tìm kiếm, xác định vị trí khảo sát trên núi Nam Giới.

Để “giải mã” về sự tích chùa Quỳnh Viên nằm trên dãy núi Nam Giới, nơi được cho là phát tích của Phật giáo Việt Nam, là nơi có dấu chân Chử Đồng Tử và Tiên Dung tu tiên đắc đạo, vừa qua, huyện Thạch Hà đã phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát tại một số điểm mà người dân lâu nay cho là còn có nhiều dấu vết liên quan đến những sử tích xưa:

Điểm được cho là có dấu chân Phật và Ao trời: Tại tọa độ 18o27’14’’ vĩ độ Bắc; 105o59’9’’ kinh độ Đông có một khối đá cát kết lớn, kích thước 3x3,5m nằm nghiêng theo chiều Đông - Tây. Mặt khối đá chia thành hai phần tương đối bằng nhau, có hình thù giống bàn chân người với ngón cái nằm ở phía Đông Bắc, gót chân nằm ở phía Đông Nam, có hình dáng dấu “chân Phật”. Từ vị trí này tiếp tục leo về phía Đông Bắc, nơi có nhiều khối đá lớn xếp chồng lên nhau, được cho là Ao trời.

Qua quan sát và nhận định không có tác động và tạo tác của con người và cũng không có điểm trùng khớp với các chi tiết như miêu tả về Ao trời trong ghi chép của Bùi Dương Lịch trong cuốn “Nghệ An ký”.

Địa điểm Thủng Chùa: Là một thung lũng nhỏ nằm trong khu vực có tọa độ 18o26’50’’ vĩ độ Bắc; 105o56’10’’ kinh độ Đông trên đỉnh núi Nam Giới. Thung lũng rộng, hướng Đông - Tây khoảng 50m, Bắc - Nam khoảng 150m, giữa thung lũng có một dòng suối chảy về phía Đông đổ ra phía biển.

Tìm di sản trên núi Nam Giới

Thủng Chùa, vị trí có nhiều dãy đá xếp kiểu hình bó nền.

Khảo sát tại Thủng Chùa đã tìm thấy ít nhất 3 dấu vết đá xếp tạo thành các khoảnh nền, phân bố ở hai bên bờ suối trong đó có 1 dấu vết đá xếp ở 3 mặt, mặt còn lại tựa vào sườn núi tạo thành một mặt bằng hình chữ nhật dài 8,3m; rộng 6,5m. Ở mặt phía Nam có hàng đá rộng 1,2m kết nối từ nền xuống suối. Hàng đá này giống như lối đi.

Với những dấu vết đã phát hiện tại đây có thể thấy Thủng Chùa có nhiều nét giống với mô tả của Bùi Dương Lịch trong cuốn “Nghệ An ký”.

Địa điểm chùa Thanh Quang, xã Thạch Hải: Chùa Thanh Quang thuộc thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, có toạ độ 18o25"49’’vĩ độ Bắc và 105°57"14.9" kinh độ Đông. Qua khảo sát, tại sân trước của chùa có 1 giếng được xếp bằng đá, kiểu giếng hình vuông là đặc trưng của kỹ thuật xây giếng trong văn hoá Chăm Pa. Tuy nhiên chưa đủ điều kiện để xác định niên đại của giếng.

Tìm di sản trên núi Nam Giới

Chuông cổ tại chùa Thanh Quang, xã Thạch Hải.

Hiện vật quan trọng nhất hiện đang lưu giữ tại chùa là chuông đồng, cao khoảng 60-70cm, đường kính miệng khoảng 30-35cm, thân chuông có minh văn chữ Hán được khắc chìm có tên là “An Nhân tự chung”, được đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất, đời vua Quang Toản, triều Tây Sơn (1793).

Hiện tại, cần phải xác định chuông này là của chùa An Nhân; hay là chùa Thanh Quang trước đây còn có thể có tên là chùa An Nhân.

Địa điểm chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn: Nằm ở sườn đồi thấp, phần kéo dài của núi Nam Giới về phía Nam. Khi khảo sát tại chùa đã phát hiện nhiều gạch ngói, đồ gốm men, đồ sứ của nhiều thời kỳ khác nhau.

Tìm di sản trên núi Nam Giới

Mảnh gốm thô (thế kỷ I, II trước công nguyên) phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn.

Trong số các hiện vật đã được phát hiện có 2 mảnh gốm thô là vật liệu và trang trí kiến trúc thuộc thời tiền, sơ sử, niên đại khoảng thế kỷ I, II trước công nguyên; có 3 mảnh gốm men thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.

Tại đây có một khu vực gọi là “thủng” được hình thành tự nhiên, đón nước từ suối chảy về, thường được gọi là Ao Tăm.

Tìm di sản trên núi Nam Giới

Mảnh gốm men ngọc thế kỷ XIII và men trắng thế kỷ XVIII phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn.

Với mật độ xuất lộ các di tích và các di vật trên đây, có thể khẳng định từ thời Trần, thế kỷ XIV, tại đây đã từng tồn tại kiến trúc có quy mô khá lớn, trang trí đẹp đẽ. Những mảnh gốm thô phát hiện tại đây gợi ý, rất có thể, từ thế kỷ I, II TCN tại khu vực chùa Thanh Quang (xã Đỉnh Bàn) đã có con người cư trú.

Kết thúc đợt khảo sát, đoàn đã làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Hà và thống nhất một số nội dung: cần tổ chức điều tra tổng thể núi Nam Giới thuộc địa bàn 2 xã Thạch Hải và Đỉnh Bàn; thăm dò, khảo cổ học các điểm có những hàng đá xếp tại vị trí Thủng Chùa; thám sát, khai quật khảo cổ học vị trí chùa Thanh Quang (xã Đỉnh Bàn) nhằm “truy tìm" dấu tích những di sản đang ẩn chứa trong lòng Nam Giới – Quỳnh Viên.

Nam Giới - Quỳnh Viên, thuộc xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà là địa danh nổi tiếng về vẻ đẹp hoang sơ, nơi hội tụ khí thiêng của biển trời, mây núi. Dãy Nam Giới mang dáng hình của một con rồng khổng lồ vươn mình ra biển cả, là thành luỹ vững vàng che chắn khi bão tố phong ba.

Nam Giới còn được biết đến là “kho báu” chứa đựng nhiều di sản văn hoá có giá trị trong suốt chiều dài hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc.

Với số lượng trên 20 di tích đền, chùa, miếu được phân bố khá dày đặc, càng tôn thêm vẻ linh thiêng, huyền bí, tạo nên sự phấn khích cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về Nam giới - Quỳnh Viên.

Phòng VH-TT huyện Thạch Hà

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast