>> Nước mắm truyền thống vẫn “sống khỏe”
Sản xuất nước mắm ở HTX Chế biến thủy hải sản Ánh Dương (xã Hộ Độ - Lộc Hà)
Thiếu nguyên liệu, hoạt động cầm chừng
Đã hơn 6 tháng kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển nhưng cuộc sống của cư dân nhiều địa phương miền biển Hà Tĩnh vẫn chưa trở lại nhịp điệu bình thường. Trước đây, tại một số xã như Thạch Hải (Thạch Hà), Thạch Kim (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)..., ngoài một số cơ sở chế biến nước mắm lớn, có thương hiệu thì hầu như nhà nào trong xã cũng “muối” dăm ba tạ nước mắm. Sản phẩm thường chỉ bán ở các chợ địa phương, chợ tỉnh, nhà làm lớn thì nhập thô ra các thị trường ngoại tỉnh.
Mặc dù chỉ đóng vào can nhựa, không có nhãn mác nhưng với chất lượng và uy tín, nước mắm các địa phương này vẫn được nhiều khách quen tin dùng, đặt mua. Vì vậy, nghề chế biến nước mắm là một nghề truyền thống, giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, nghề này đang hoạt động cầm chừng sau sự cố môi trường biển.
Cơ sở chế biến nước mắm Hoa Khôi (xóm Đại Hải, xã Thạch Hải) là cơ sở duy nhất còn duy trì hoạt động, dù ít nhưng vẫn đều đặn tiêu thụ được trong địa bàn. 15 nhân công buộc phải nghỉ việc vì không có nguyên liệu để sản xuất, cơ sở duy trì nghề bằng 4 lao động của gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ cơ sở nước mắm Hoa Khôi cho biết: “Hiện, nhà tôi vẫn còn nước mắm sản xuất từ năm trước nhưng bán cũng sắp hết. Mặc dù thông tin về chất asen gây hoang mang cho người tiêu dùng nhưng những khách hàng “ruột” vẫn không ngần ngại đặt mua nước mắm của tôi”.
Dù nước mắm truyền thống của Hà Tĩnh vẫn được khách hàng tin dùng nhưng tổng mức tiêu thụ đã giảm nhiều so với trước do thiếu nguyên liệu để sản xuất. Tương tự, nhiều hộ sản xuất nước mắm uy tín và lâu năm trên địa bàn tỉnh cùng rơi vào tình cảnh đó. Chị Hồ Thị Thu - Giám đốc HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Thu Hùng (Cẩm Nhượng) cho biết: “HTX có 7 thành viên với 16 lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy hải sản, nhất là sản xuất nước mắm cá cơm Thu Hùng. Năm ngoái, HTX bán ra gần 10.000 lít nước mắm. Từ tháng 10 là bắt đầu vụ cá cơm nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thể khôi phục sản xuất. Hoạt động sản xuất, chế biến bị ngưng trệ, 16 lao động hiện cũng đã tạm thời nghỉ việc. Giờ chúng tôi cũng đang ngồi chờ, chứ không biết nên làm gì”.
Nước mắm Thu Hùng (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) được nhiều khách hàng tin dùng nhưng vẫn chưa vào được các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng thương hiệu - khó cũng phải làm
Mặc dù thời điểm hiện tại, nghề làm nước mắm truyền thống Hà Tĩnh gặp những khó khăn nhất định nhưng những người làm nghề vẫn quyết duy trì và chờ đợi thời cơ để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục sản xuất theo tư duy tự cung tự cấp thì rất khó để định danh một cách rõ ràng và nổi bật sản phẩm nước mắm Hà Tĩnh trên thị trường.
Anh Võ Tá Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết: “Nước mắm truyền thống thường sản xuất theo làng cá nên thương hiệu là tên chung của làng. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi cơ sở sản xuất nước mắm buộc phải có một cái tên riêng. Chính những cái tên riêng này đôi lúc đã làm xáo trộn thị trường tiêu dùng, làm cho người tiêu dùng không phân biệt được chân tướng đặc sản địa phương vốn đã có tự lâu đời”.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có khá nhiều hiệu nước mắm như: Nam Hải, Thu Hùng (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên), Ánh Dương (Lộc Hà), Hoa Khôi (Thạch Hải - Thạch Hà), Tam Hải (Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh)... Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm, các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn toàn tỉnh đã sản xuất, tiêu thụ gần 100.000 lít nước mắm. Theo đó, nước mắm truyền thống Hà Tĩnh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Tiếc rằng, hiện vẫn chưa có một thương hiệu nước mắm nào được lên kệ tại các đại lý và siêu thị trong và ngoài tỉnh một cách sang trọng và kiêu hãnh như các thương hiệu đến từ Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…
Để xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng cho nước mắm Hà Tĩnh trên thị trường, Sở Công thương đã từng tổ chức nhiều hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại nhưng đều không mang lại hiệu quả. Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại Võ Tá Nghĩa, sở dĩ tại các siêu thị trong nước, người tiêu dùng chưa mấy mặn mà với nước mắm truyền thống Hà Tĩnh là do các cơ sở chưa đầu tư công nghệ chế biến, sản xuất theo lối thủ công nên mùi vị vẫn đậm chất truyền thống, không hợp thị hiếu khách hàng. Đặc biệt, với cách sản xuất “mạnh ai nấy làm” như hiện nay thì sẽ rất lâu nữa nước mắm truyền thống Hà Tĩnh mới xây dựng được thương hiệu riêng của mình.
“Về lâu dài, nước mắm Hà Tĩnh cần có một đơn vị đứng ra làm đầu mối để xây dựng thương hiệu riêng. Như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp cùng làm nhưng chỉ có một thương hiệu Phú Quốc”, Trưởng phòng Võ Tá Nghĩa nhấn mạnh.
Được biết, đầu năm 2016, Hội Nông dân tỉnh và Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) đã đứng ra làm đơn vị đầu mối cho thị trường nước mắm truyền thống Hà Tĩnh. Theo đó, Mitraco Hà Tĩnh tham gia vào quá trình sản xuất, đóng chai và phân phối sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do sự cố môi trường biển nên tháng 5/2016, hoạt động này bị ngưng trệ. Anh Nguyễn Anh Thắng - Trưởng phòng Kinh tế Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh cho biết: “Một phần là do sự cố môi trường biển, một phần là do chất lượng sản phẩm giữa các cơ sở chế biến không đồng đều nên việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường là rất khó”.
Có thể thấy, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho nước mắm truyền thống Hà Tĩnh không chỉ là vấn đề mà người sản xuất quan tâm mà đó là việc cần sự chung tay của các ngành chức năng. Việc hỗ trợ một số cơ sở chế biến nước mắm tham gia một vài hội chợ nhỏ lẻ mà Sở Công thương đã và đang làm trong thời gian qua chỉ là giải pháp tạm thời. Để nước mắm Hà Tĩnh lên kệ trong các siêu thị và cạnh tranh với các thương hiệu khác, rất cần một chiến lược dài hơi của các ngành liên quan.