Vườn cam trĩu quả của gia đình anh Trí, chị Hạnh sắp bước vào vụ thu hoạch
Bất kể hè nắng đổ lửa hay những ngày mưa lũ tầm tã như vừa rồi, lúc nào vườn cây ăn quả của anh Trí, chị Hạnh vẫn luôn xanh mướt, tràn đầy sức sống với những cành trĩu quả. Đây là kết quả của bao mồ hôi công sức, tâm huyết, mạnh dạn xóa bỏ cây trồng kém hiệu quả đưa loại cây đặc sản vào trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật.
Năm 2012, khi chủ trương xóa bỏ vườn tạp để phát triển kinh tế vườn đồi về với người dân nơi đây, vợ chồng anh Trí tích cực hưởng ứng. Sau khi bàn bạc, anh chị quyết định xóa bỏ hơn 2 ha keo lai và khoảng 3 ha vườn tạp... thuê máy móc san ủi mặt bằng, đào hố trồng cây ăn quả.
Vợ chồng anh còn nhiều lần lặn lội ra tận huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) để học hỏi kinh nghiệm và lựa chọn 500 gốc cam Xã Đoài đưa về trồng thử nghiệm..."
Anh Trí, chị Hạnh (ngồi bên trái) trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cách xây dựng vườn mẫu với khách tham quan...
Chị Trần Thị Hạnh chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào thực hiện, chúng tôi gặp không ít khó khăn do cây cam chưa thích nghi với khí hậu, kinh nghiệm ít, không biết áp dụng các tiến bộ KHKT... nên cây phát triển yếu và sâu bệnh phá hại thường xuyên.
Nhưng không nản chí, vợ chồng tôi tiếp tục lên đường sang Nghệ An, tìm hiểu thêm kiến thức, học tập thêm các mô hình thành công nên những khó khăn dần được khắc phục. Gia đình còn mở rộng diện tích, trồng thêm các loại cây ăn quả khác, từng bước đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động..."
“Đến nay gia đình đã trồng được hơn 1.500 gốc cam, chanh, bưởi các loại. Trong đó, 1.000 gốc đã cho thu hoạch, năm 2018 xuất bán được 17 tấn quả, thu lãi hơn 500 triệu đồng; năm nay dự kiến thu về khoảng 600 triệu đồng”- anh Nguyễn Minh Trí tiếp lời.
Ngoài trông cây ăn quả, gia đình anh Trí, chị Hạnh còn bố trí khu vực chuồng trại chăn nuôi hợp lý
Không chỉ có vườn đồi đẹp, cho thu nhập cao, gia đình anh Trí, chị Hạnh còn chăn nuôi 5 con bò và hàng trăm con gà để cung cấp nguồn phân chuồng bón cho cây ăn quả, giảm chi phí sản xuất, tăng tuổi thọ cho vườn cây.
Khi mô hình kinh tế vườn đồi ngày càng phát huy hiệu quả thì cũng là lúc anh chị nghĩ đến việc xây dựng vườn mẫu. Đầu năm 2017, anh chị đăng ký thực hiện và bắt tay vào quy hoạch lại vườn theo thiết kế, bố trí các khu trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, tạo cảnh quan khuôn viên... Nhờ những nỗ lực đó, cuối năm 2017, vườn trại của gia đình anh chị được công nhận đạt chuẩn cấp tỉnh.
Tinh thần hăng say lao động, dám nghĩ dám làm đã giúp gia đình anh Trí, chị Hạnh thu nhập hàng trăm triệu đồng
Ông Lê Văn Lợi – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương, Vũ Quang cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, đi đầu trong xây dựng vườn mẫu, gia đình anh Trí, chị Hạnh còn gương mẫu trong các phong trào của địa phương, sống chan hòa, gần gũi với bà con lối xóm.
Họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong cung ứng giống, tư vấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế vườn đồi, giảm nghèo nhanh, bền vững”.