Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Trưởng phòng Điều độ, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Qua theo dõi thông số vận hành lưới điện Hà Tĩnh, những ngày thường, bình quân sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn đạt từ 3,1 - 3,3 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng trong tháng 5 vừa qua, phụ tải điện tăng rất cao, sản lượng tiêu thụ dao động trung bình từ 4 - 5 triệu kWh/ngày.
Nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã làm cho các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm, dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện”.
Dự báo trong ngày hôm nay (1/6), sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt khoảng 4,7 triệu kWh.
Thời điểm nắng nóng nhất của năm 2022, công suất đỉnh của lưới điện Hà Tĩnh chỉ đạt 289,5 MW, trong khi đó, công suất đỉnh của lưới điện trên địa bàn năm 2023 đạt 319,7 MW vào ngày 23/5 vừa qua, xác lập kỷ lục từ trước tới nay. Dự kiến trong tháng 6, 7 năm nay, phụ tải điện của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đạt kỷ lục với công suất 340 MW, sản lượng tiêu thụ 5,8 triệu kWh/ngày. |
Trong ngày hôm qua (31/5), sản lượng điện tiêu thụ của Hà Tĩnh lên tới 4,5 triệu kWh. Theo dự báo, ngày hôm nay (1/6), sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tiếp tục tăng với mức khoảng 4,7 triệu kWh.
Trong tháng 6, 7, dự báo miền Bắc tiếp tục nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Dự báo thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt, cực đoan và khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ. Đặc biệt, phụ tải điện của Hà Tĩnh với hơn 65% là phụ tải điện sinh hoạt nên nhu cầu sử dụng điện trong mùa hè lại càng tăng, sẽ gây áp lực cho lưới điện toàn hệ thống.
Tình trạng vận hành của các trạm biến áp 110 kV trên địa bàn Hà Tĩnh được theo dõi sát sao qua phần mềm hiện đại.
Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, giảm thiểu sự cố trong mùa nắng nóng, Công ty Điện lực Hà Tĩnh khuyến cáo người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức tiết kiệm điện từ những thói quen hằng ngày như: thực hiện tắt đèn, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; nên bật máy điều hòa khi cần thiết và vừa đủ sử dụng (từ 26oC trở lên và sử dụng kết hợp với quạt); không nên sử dụng đồng thời các thiết bị có công suất lớn như điều hòa, bếp từ… để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện.
Cùng đó, khách hàng cần ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt; hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm trưa từ 11h30 -14h30 và tối từ 20h00 - 22h...
Đối với các cơ quan, công sở, cần quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị với mục tiêu tiết kiệm điện năng hàng tháng 10% so với cùng kỳ; đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định về tiết kiệm điện.
Ngành điện khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải (DR) theo quy định và sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Ngành điện cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng điện lớn, các trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ động thực hiện phương án điều chỉnh phụ tải (DR) theo quy định và sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện...