Sáng 26/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt “Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh” và khai mạc Gameshow truyền hình “OCOP là gì”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan cùng dự lễ ra mắt. |
Hội quán có 60 thành viên tự nguyện đăng ký tham gia
Hội quán “Chế biến thủy sản Kỳ Anh” là nơi sinh hoạt tự nguyện của những người cùng chí hướng, cùng đam mê, cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự đoàn kết, hợp tác gắn bó lâu dài; là cầu nối giữa các hội viên, cộng đồng với chính quyền, nhà khoa học, nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Thông qua hoạt động của hội nhằm góp phần xây dựng thương hiệu thủy sản Kỳ Anh ngày càng phát triển hơn.
Bà Trần Thị Hà - Chủ nhiệm hội quán giới thiệu hoạt động của hội.
Trong thời gian tới, hội quán sẽ tiếp tục mở rộng, kết nạp thêm hội viên mới, duy trì tốt quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt luân phiên tại các cơ sở...
Sau lễ ra mắt, Hội quán “Chế bến thủy sản Kỳ Anh” tổ chức sinh hoạt phiên thứ nhất. Tại phiên sinh hoạt, các thành viên đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sau khi tham gia chương trình OCOP.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội quán
Các hội viên cũng đề xuất, kiến nghị với chính quyền các cấp, sở ngành quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất về mặt bằng đất đai để xây dựng nhà xưởng, hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật…
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bài bản cho lễ ra mắt Hội quán “Chế biến thủy sản Kỳ Anh”.
Đặc biệt, Ban Chấp hành và các thành viên tham gia hội quán đã nắm khá kỹ về nội dung, mục tiêu, tôn chỉ hội quán.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đây là 1 trong 5 điểm mô hình hội quán của tỉnh; là kết quả của chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình hội quán ban đầu hình thành trong 1 nhóm nhỏ, trong 1 thôn, 1 xã, nhưng tại Kỳ Anh là liên xã (5 xã), liên huyện (huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh), quy mô lớn hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn lưu ý, trong quá trình sinh hoạt, hội quán phải thực sự là nơi các hội viên “cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”. Trong sinh hoạt phải thực chất, gần gũi, đơn giản, không cầu kỳ, phô trương, hình thức… gây tốn kém, lãng phí. Đây không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng mà còn trao đổi kết nối kinh nghiệm với chuyên gia, cơ sở sản xuất từ các tỉnh bạn.
Các chuyên gia, nhà khoa học chấm điểm các sản phẩm nước mắm của Hội quán “Chế biến thủy sản Kỳ Anh”.
Cũng trong sáng nay, Ban Tổ chức đã khai mạc Gameshow truyền hình “OCOP là gì”. Đây là 1 trong 2 nội dung của Cuộc thi tìm hiểu về chương trình OCOP trên sóng truyền hình và trên mạng Internet.
Theo đó, cuộc thi được tổ chức qua 2 hình thức: Gameshow truyền hình “OCOP là gì” và trắc nghiệm trực tuyến trên mạng Internet.
Chương trình Gameshow truyền hình “OCOP là gì?" số đầu tiên có 5 đội tham dự: Kỳ Xuân, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) và Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Hà (TX Kỳ Anh)
Gameshow truyền hình “OCOP là gì?" do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức.
Đối tượng tham gia gồm lãnh đạo, cán bộ văn phòng điều phối nông thôn mới và tổ OCOP cấp huyện; đại diện ban chỉ đạo NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và OCOP cấp xã; cán bộ chuyên trách OCOP xã/phường/thị trấn và các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ban Giám khảo cuộc thi “OCOP là gì?” chấm điểm qua điện thoại smartphone.
Gameshow sẽ diễn 2 vòng: vòng cấp huyện và vòng chung kết cấp tỉnh. Các đội chơi sẽ trải qua 4 phần thi: Tìm hiểu kiến thức chung về chương trình OCOP; Giới thiệu sản phẩm OCOP (bằng thuyết trình hoặc hùng biện); Vui cùng OCOP và Lấy ý kiến bình chọn của khán giả.
Kết thúc cuộc thi, đội Kỳ Ninh giành giải nhất, Kỳ Hà giành giải nhì; 3 đội: Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân đồng giải 3. Trong ảnh: Ban Tổ chức tặng hoa và trao giải cho các đội tham dự Gameshow truyền hình “OCOP là gì?".
...và trao thưởng cho đội Kỳ Ninh giành giải nhất.