Sâu bệnh xuất hiện trên lúa, các địa phương chủ động phòng trừ

(Baohatinh.vn) - Một số địa phương ở Hà Tĩnh đã ghi nhận bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng, bọ trĩ... gây hại lúa xuân.

Thời tiết bất lợi những ngày qua khiến 2 sào lúa P6 của gia đình chị Nguyễn Thị Hương (thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân, Đức Thọ) bị nhiễm đạo ôn lá. Ngay khi lá lúa xuất hiện vết bệnh, gia đình chị Hương lập tức phun phòng trừ đối với diện tích bị nhiễm và cả diện tích gần vùng nhiễm để tránh lây lan ra diện rộng.

Chị Hương sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ bệnh đạo ôn hiện đang phổ biến theo khuyến cáo của ngành chuyên môn như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Angate 75WP...

Sâu bệnh xuất hiện trên lúa, các địa phương chủ động phòng trừ

Nông dân huyện Đức Thọ phun trừ đạo ôn trên lúa xuân.

Ông Nguyễn Xuân Linh – Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: “Vụ xuân năm 2024, toàn xã sản xuất gần 570 ha lúa các loại giống theo bộ cơ cấu của tỉnh. Thời tiết bất lợi khiến một số diện tích nhỏ của địa phương xuất hiện bệnh đạo ôn lá. Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra, chúng tôi chủ động thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, tiến hành khoanh vùng và xử lý dứt điểm những diện tích nhiễm bệnh để hạn chế nguồn lây. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con tăng cường bám đồng để kịp thời ghi nhận tình hình, có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt”.

Tương tự, bệnh đạo ôn lá cũng đã phát sinh và gây hại tại một số xã như: Lâm Trung Thủy (Đức Thọ); Xuân Hội, Đan Trường (Nghi Xuân), một số xã của huyện Thạch Hà... Theo ghi nhận, diện tích bị bệnh rải rác, xuất hiện trên trà gieo cấy sớm với tỷ lệ bệnh trung bình từ 1 – 3%, nơi cao từ 5 – 7%, chủ yếu tập trung trên các giống: NX30, P6, Thái Xuyên 111, Xi23...

Sâu bệnh xuất hiện trên lúa, các địa phương chủ động phòng trừ

Bọ trĩ gây hại một số diện tích lúa xuân ở Hà Tĩnh.

Theo ngành chuyên môn, ngoài bệnh đạo ôn trên lá, hiện nay cũng đã xuất hiện một số sâu bệnh trên lúa xuân như: sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ ở một số diện tích lúa gieo cấy sớm ở các huyện Can Lộc, Lộc Hà với mật độ từ 7-10 con/m2; ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên 87 ha tại các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh với những chân ruộng trũng, ngập nước, mật độ từ 3-5 con/m2, nơi cao từ 5-7 con/m2. Cùng đó, bệnh bọ trĩ và chuột gây hại chủ yếu trên diện tích gieo thẳng ở các huyện Đức Thọ, Lộc Hà và TX Hồng Lĩnh với tổng hơn 65 ha.

Ông Phan Văn Thanh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: "Vụ này, toàn huyện gieo cấy trên 3.200 ha lúa các loại. Hiện nay, lúa đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh và xuất hiện một số dịch bệnh như: bệnh bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, chuột gây hại... Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã chủ động xây dựng và triển khai kịp thời các giải pháp phòng trừ, tránh sâu bệnh hại lây lan trên diện rộng và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa".

Sâu bệnh xuất hiện trên lúa, các địa phương chủ động phòng trừ

Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thăm đồng, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.

Từ ngày 23/2, Hà Tĩnh có đợt không khí lạnh gây mưa. Ngoài ra, thời tiết tiết vũ thủy - kinh trập duy trì hình thái trời nhiều mây, ít nắng, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình từ 17-220C, thuận lợi cho bào tử nấm bệnh đạo ôn phát tán, nảy mầm và xâm nhiễm.

Trong khi đó, giai đoạn này, bà con tiến hành bón thúc đẻ nhánh giúp cây lúa phát triển mạnh về thân lá, đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây cháy lụi cục bộ một số diện tích, nhất là trên các giống nhiễm.

Sâu bệnh xuất hiện trên lúa, các địa phương chủ động phòng trừ

Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần tích cực bám đồng, kịp thời phát hiện và phòng ngừa các loại sâu bệnh hại lúa.

Theo ông Nguyễn Tống Phong – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh: Đối với diện tích gieo cấy dày, nông dân cần tiến hành tỉa thưa, đảm bảo mật độ phù hợp, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng kháng bệnh. Đối với những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá và có nguy cơ nhiễm bệnh, nông dân lưu ý ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm; phun thuốc phòng trừ khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc từ 5-7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2.

Bên cạnh bệnh đạo ôn, bà con nông dân cần theo dõi diễn biến các đối tượng như: ruồi đục nõn, bọ trĩ, chuột, ốc bươu vàng... để tiến hành phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch bệnh trên lúa xuân, đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc để tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật phòng trừ đến các cơ sở sản xuất và bà con nông dân...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.