Chiều 3/3, tại huyện Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị bổ cứu công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cho các địa phương. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thông tin về tình hình của dịch bệnh tại Hà Tĩnh. Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch bệnh đầu tiên tại Lộc Hà, đến ngày 2/3/2021, toàn tỉnh đã có 63 xã thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã có trâu, bò mắc bệnh, với hơn 1.000 con, trong đó có 62 con đã bị chết, tiêu hủy.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin về diễn biến dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò hiện nay tại Hà Tĩnh.
Trong thời gian qua, ngành chuyên môn và các địa phương đã chủ động, tập trung nhiều giải pháp hạn chế lây lan, khoanh vùng dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tiếp tục xâm nhiễm diện rộng vẫn rất cao do đây là loại dịch bệnh mới, chưa có đầy đủ phác đồ điều trị; véc-tơ truyền bệnh đa dạng…
Hơn nữa, thời tiết đang chuyển dần sang trạng thái nóng, ẩm của mùa xuân, các động vật trung gian truyền bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển nhanh hơn, trong khi tổng đàn trâu, bò khá lớn, chủ yếu chăn thả chung, điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, căn cứ trên kết quả tiêm phòng thí điểm vắc-xin tại các địa phương, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để sử dụng loại vắc-xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ do Công ty Cổ phần kinh doanh thuốc thú y AMAVET nhập khẩu, cung ứng (loại vắc-xin đã được lưu hành, sử dụng ở nhiều nước trên thế giới - PV) để tiêm phòng khoanh vùng, khống chế dịch.
Việc tiêm thí điểm 5.000 liều vắc-xin tại huyện Lộc Hà, Thạch Hà, trang trại bò sữa Vinamilk (huyện Hương Sơn) đã cho kết quả tốt.
Tại Hà Tĩnh, việc tiêm thí điểm 5.000 liều vắc-xin tại huyện Lộc Hà, Thạch Hà, trang trại bò sữa Vinamilk (huyện Hương Sơn) trước đó cũng đã cho kết quả tốt. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh liên hệ nhập về thêm 35.000 liều vắc-xin phòng chống bệnh viêm da nổi cục để cung ứng đến các địa phương nhằm kịp thời tiêm phòng, bao vây chống dịch.
Đến thời điểm này, huyện Can Lộc đã nhận 3.000 liều, Thạch Hà 9.000 liều, Lộc Hà 5.500 liều, Cẩm Xuyên 6.500 liều, Nghi Xuân 2.500 liều.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Văn An: Tại Lộc Hà, việc tiêm phòng thí điểm vắc-xin đã được tiến hành tại xã Phù Lưu, Mai Phụ và được đánh giá tốt, có hiệu quả trong chống dịch lây lan. Hiện nay, huyện Lộc Hà đã nhận vắc-xin về địa phương và tiến hành tiêm trên diện rộng.
Theo kế hoạch, số lượng vắc-xin này sẽ được các địa phương tiến hành tiêm tập trung từ ngày 3/3/2021. Đối tượng được tiêm phòng là đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh viêm da nổi cục và các địa phương có nguy cơ cao (trong phạm vi bán kính 100 km từ địa phương có dịch viêm da nổi cục).
Tại hội nghị, các địa phương đã trao đổi tình hình thực tế; khó khăn hiện nay trong khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục; cơ chế hỗ trợ trâu, bò bị chết, tiêu huỷ do dịch; các giải pháp trong thời gian tới đặc biệt là kế hoạch tiêm phòng vắc-xin, phun tiêu độc khử trùng diện rộng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu: Huyện đã nhận 9.000 liều và tiến hành tiêm phòng trong ngày 3/3/2021. Huyện đang rà soát thêm nhu cầu tại các xã và đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hỗ trợ để cung ứng đủ vắc-xin phục vụ công tác tiêm phòng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Nguyễn Tuấn Thanh: Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm theo công văn hướng dẫn của UBND tỉnh, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đặc biệt là nâng cao ý thức người dân trong vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao việc chủ động triển khai kịp thời đối với công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bênh viêm da nổi cục. Tuy nhiên, đây loại dịch bệnh mới, chưa có phác đồ điều trị cụ thể, nhiều vấn đề cần bổ cứu… nên các địa phương phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để sớm khống chế dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trong đó, thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo các chỉ thị, công điện của Bộ NN&PTNT, của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tự giác thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; UBND các cấp chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ vắc-xin, hóa chất, vật tư, dụng cụ đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung nhân lực cao nhất; lập nhóm zalo từ cơ sở để thông tin kịp thời diễn biến dịch…
Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ban hành văn bản hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cụ thể để người dân năm bắt thông tin đầy đủ. Đặc biệt, từng địa phương phải tổ chức bổ cứu thường xuyên, nhân rộng các cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn và quy định; chủ động theo dõi hiệu quả của vắc-xin sau khi tiêm phòng trên đàn gia súc để có xử lý kịp thời.
Cũng trong chiều nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đến kiểm tra tình hình thực tế...
... và trao đổi biện pháp phòng dịch với một số hộ chăn nuôi trâu, bò tại xã Phù Lưu (Lộc Hà).