Một góc thị trấn Thạch Hà...
Từ những thiên sử vàng trong quá khứ…
Địa bàn Thạch Hà từ xa xưa là đất của nước cổ Việt Thường. Theo sử liệu, tên đất Thạch Hà đã có khoảng từ năm 1005. Thường xuyên đối mặt với gian khó, hiểm nguy, mảnh đất này đã hun đúc nên tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược của Nhân dân.
Từ câu chuyện “Gan Thạch Hà” của Quận công Võ Tá Sắt; trai tráng Thạch Hà được nhà Tây Sơn phong thưởng khi đánh giặc Thanh; quân thứ Thạch Hà khiến Pháp khiếp sợ với hàng chục trận đánh trong phong trào Cần Vương đến tinh thần đấu tranh mạnh mẽ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh… được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của con người nơi đây.
Cụ Nguyễn Chân Ngộ (cháu cụ Nguyễn Thiếp) giới thiệu về quá trình hình thành nhà thờ họ Nguyễn (dòng tộc cụ Nguyễn Thiếp) (Ảnh chụp tháng 9/2020).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thạch Hà là trọng điểm bị kẻ thù bắn phá ác liệt, không kể ngày đêm. Với tinh thần “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nhân dân Thạch Hà đã hưởng ứng nhiều phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, chi viện cho miền Nam. Với tinh thần yêu nước, chiến đấu kiên cường, Nhân dân Thạch Hà đã góp phần quan trọng cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong trang sử hào hùng của Nhân dân Thạch Hà, còn có sự xuất hiện của những giáo dân “kính chúa, yêu nước”; luôn ủng hộ và tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn thanh niên theo đạo Thiên Chúa lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông, xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ…
Cụ Nguyễn Văn Minh (SN 1927, trú tại thị trấn Thạch Hà, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện từ năm 1962-1964) tự hào nói: “Con người Thạch Hà với ý chí kiên cường được tôi luyện trong gian khổ nên xông pha can trường, bền gan nuôi chí lớn, sát cánh bên nhau. Từ quá trình xây dựng CNXH ở miền Bắc, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam; khôi phục kinh tế, từng bước tìm tòi đổi mới; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… luôn hiện hữu tinh thần đoàn kết, vượt lên gian khó của Nhân dân.
Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân không chỉ là bài học lớn đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến trước đây, mà vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
... đến thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới
Xã Tượng Sơn - điểm sáng về xây dựng NTM.
Sức mạnh đoàn kết tiếp tục được Đảng bộ và Nhân dân Thạch Hà kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập. Từ những cụm công nghiệp hiện đại, phố xá sầm uất đến những vùng quê nông thôn mới (NTM) trù phú, đáng sống luôn có dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, của sự thống nhất từ ý chí đến hành động.
Đó cũng chính là động lực, nền tảng để Thạch Hà trở thành địa phương có sự phát triển năng động, trở thành điểm sáng trên toàn tỉnh về xây dựng NTM, đô thị văn minh; thu hút đầu tư…
Công trình tiểu công viên Miếu Rỏi (thị trấn Thạch Hà) khởi công ngày 15/4/2020, hoàn thành vào ngày 15/6/2020, góp phần làm cho cảnh quan khu trung tâm thị trấn Thạch Hà thêm khởi sắc, thuận tiện cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân ven sông Cày.
Chỉ trong 5 năm (từ 2015-2020), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,3 triệu đồng lên 37,8 triệu đồng/năm; thu hút đầu tư tăng khá, tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 3.145 tỷ đồng; nhiều dự án trọng điểm được triển khai thực hiện. Tổng thu ngân sách đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Tháng 10/2020, Thạch Hà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Công cuộc xây dựng NTM đã làm cho quê hương rạng rỡ, đẹp lên; cơ sở hạ tầng đáp ứngđược các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Thạch Hà cũng là địa phương được lựa chọn tổ chức đại hội Đảng bộ điểm của Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 và là Đảng bộ 4 năm liền đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc”.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2020, Thạch Hà chính thức sáp nhập 9 đơn vị hành chính cấp xã, từ 31 xã, thị trấn còn lại 22. Dù mới chỉ “về chung một nhà” trong thời gian chưa lâu song các đơn vị hành chính mới đã phát huy tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được khối đoàn kết, đồng thuận, huy động sức mạnh tổng lực của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Vườn nho Hạ Đen ở Nam Hương - mô hình trồng nho đầu tiên của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Thạch Hà xây dựng mới 20 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên; huy động 24 cuộc ra quân xây dựng NTM với 212.645 lượt người tham gia. Nhiều quy hoạch được lập kế hoạch điều chỉnh, xây dựng, tác động lớn đến sự phát triển và tầm vóc của huyện nhà trong tương lai.
Ngoài nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của Nhân dân Thạch Hà luôn được phát huy qua các đợt lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh… Đó là hình ảnh những cán bộ từ huyện đến cơ sở, chiến sỹ công an, quân đội… không ngại hiểm nguy, vất vả, băng mình, vượt lũ để ứng cứu người dân hay cộng đồng ngoài vùng dịch đứng ra kêu gọi, huy động, trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nằm trong vùng phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19…
Tuổi trẻ Thạch Hà quyên góp thực phẩm của quê hương để gửi vào các tỉnh phía Nam đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Bí thư Huyện ủy Thạch Hà khẳng định: "Thạch Hà với truyền thống đoàn kết, gắn bó đã tạo nên những bước phát triển toàn diện. Đảng bộ và Nhân dân Thạch Hà sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị của cha ông nhằm khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp của người dân; quyết tâm xây dựng huyện phát triển toàn diện, vững chắc, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN, nhất là mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao vào năm 2024 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX đã đề ra”.