Tháo nước, bó dựng lúa, nông dân Hà Tĩnh nỗ lực giảm thiệt hại sau mưa lớn

(Baohatinh.vn) - Trận mưa lớn và diễn ra quá bất ngờ khiến hơn 5.400 ha lúa xuân toàn tỉnh ngã rạp. Bà con nông dân Hà Tĩnh phải tức tốc xuống đồng nỗ lực cứu lúa…

Sau trận mưa lớn, toàn tỉnh có hơn 5.400 ha lúa xuân bị đổ ngã (ảnh chụp chiều 27/4).

Người xưa nói không sai, “trời cho thấy mà không cho ăn”, chỉ cách đây mấy hôm, bà Dương Thị Thu, thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên vừa mới tấm tắc khoe cùng mọi người về 1 mẫu ruộng của mình. Lúa dày khin khít, trổ bông tập trung và đều đặn.

Bà Dương Thị Thu, thôn Đông Nam Lộ, Cẩm Thành xuống đồng dựng lại diện tích lúa bị đổ.

Ai ngờ chỉ sau 1 đêm mưa, những cánh đồng vừa mới căng tràn sức sống đã ngã “sóng soài” trên mặt nước. 1 mẫu lúa thì có đến 8 sào bị đổ ngã. “Lúa đã vào chắc xanh hết rồi nên nếu ngâm nước lâu ngày thì bông sẽ bị thối, hạt không chín được. Ngay khi trời sáng, tôi đã phải tức tốc ra đồng để tháo nước ra khỏi chân ruộng. Có điều, chắc cũng chỉ cứu vãn được một phần thôi vì vùng đồng này trũng, bông lúa đổ xuống bị ngập trong nước” - bà Dương Thị Thu cho biết.

Trong khi đó, bà Võ Thị Thuyết, thôn 9, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) thì nóng ruột, chẳng thể chờ được nước rút bớt mà phải xuống đồng để buộc dựng lúa thành từng khóm để hy vọng bông lúa có thể tiếp tục quá trình sinh trưởng tốt nhất.

Bà Võ Thị Thuyết cho biết: “Cả nhà tôi chỉ trông chờ vào 1,5 sào lúa Bắc Hương 9 này. Lúa mới trổ bông được mấy hôm nên tôi lo lắm, suốt cả ngày hôm nay phải lội dưới đồng, buộc dựng lúa thành từng khóm để bông còn gặp chút nắng trong quá trình phơi mau”.

Suốt ngày 27/4, bà Võ Thị Thuyết, thôn 9, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) “vật lộn” với cánh đồng ngã rạp trong nước.

Hiện nay, Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích lúa bị đổ ngã lớn nhất tỉnh với 1.700 ha. Trong đó, rất nhiều cánh đồng lúa bị đổ từ 80 - 100% do gặp luồng gió lớn trong thời điểm mưa to. Theo bà con nông dân, hiện tượng mưa vừa qua đúng vào giai đoạn lúa đang giai đoạn ngậm sữa - chín sáp nên sẽ gây tụt giảm năng suất cuối vụ.

Cùng với Cẩm Xuyên thì hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất sau trận thiên tai vừa qua là Thạch Hà (1.500 ha) và huyện Kỳ Anh (1.000 ha). Ngay sau mưa, bà con đã lập tức ra đồng để khắc phục hậu quả, cứu vụ lúa xuân.

Ông Nguyễn Văn Thuýnh - thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Đây là cánh đồng mẫu lớn có diện tích 13 ha. Trận mưa lớn đã khiến khoảng 60 - 70% diện tích bị đổ ngã. Hiện nay, thời tiết tốt lên thì một số diện tích bị ảnh hưởng nhẹ sẽ tự phục hồi, còn lại không có cách nào khác là phải lội ruộng để buộc thành từng bó để lúa đứng vững và tạo điều kiện cho máy gặt có thể thu hoạch vào cuối vụ”.

Nông dân Kỳ Anh cũng xuống đồng khắc phục hậu quả sau mưa lớn.

Theo rà soát của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, toàn tỉnh có hơn 5.400 ha lúa xuân bị đổ ngã sau trận mưa lớn, dông lốc vào đêm 26/4. Cơ quan chuyên môn cho rằng đây là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng lúa xuân.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Hiện nay, lúa xuân Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn trổ bông. Để hạn chế tối đa những thiệt hại của thiên tai có thể gây ra, các địa phương cần phải chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi vận hành hệ thống tiêu thoát nước, rút nước ra khỏi đồng ruộng để tránh tình trạng ngập úng kéo dài. Bên cạnh đó, huy động bà con nông dân xuống đồng, bó dựng lúa thành từng khóm để tạo điều kiện cho cây lúa tiếp tục kỳ sinh trưởng và giảm thấp nhất thiệt hại do ngập úng”.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người dân cần bó lúa thành từng khóm, dựng đứng cây để lúa không bị ngâm úng, tiếp tục quá trình sinh trưởng.

Dự báo, do ảnh hưởng đợt không khí lạnh cuối mùa, thời tiết Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mưa trong 2 ngày 28 - 29/4, đe dọa đến quá trình phơi mau, sinh trưởng của của lúa xuân. Trong điều kiện này, việc vận hành tiêu thoát nước, khắc phục hậu quả trên đồng ruộng chính là giải pháp cần kíp hơn bao giờ hết.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói