Trước đây, ông Lê Văn Quế ở thôn Kim Ngọc (xã Thạch Châu) mang tâm lý chung của người làm vườn ở Lộc Hà là e ngại khi trồng cây ăn quả lâu năm vì thiếu kinh nghiệm sản xuất, ít vốn, lo bị mưa bão làm hư hại, lo đầu ra cho sản phẩm...
Ông Lê Văn Quế (xã Thạch Châu) đang chăm sóc những gốc ổi mới được trồng cách đây 2 năm.
Thế nhưng, nhờ vào sự khuyến cáo, tập huấn của các cấp, ngành, ông Quế đã đổi mới tư duy, sẵn sàng đầu tư trồng vườn cây ăn quả. Đến thời điểm này, khu vườn rộng 3.000 m2 của gia đình ông đã có đủ các loại cây ăn quả, được trồng theo phương châm “mùa nào quả nấy”, hằng ngày đều có thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng (vào thời điểm chính vụ thì nhiều gấp đôi).
Ông Quế chăm sóc những quả bưởi thờ (người bản địa gọi là bòng bà) để phục vụ thị trường tết.
Ông Lê Văn Quế chia sẻ: Khoảng 7 năm trước, người dân trên địa bàn trồng cây ăn quả chỉ mang tính tự phát, chưa xác định mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, nhận định được lợi thế và thành quả của mô hình, tôi đã mạnh dạn cải tạo vườn để trồng cây ăn quả. Vừa làm vừa học, chăm sóc kết hợp với mở rộng diện tích, hiện khu vườn của gia đình tôi có hơn 100 gốc ổi, 100 gốc na, gần 100 gốc bưởi, hàng chục gốc cam và nhiều loại cây ăn quả khác.
“Khu vườn mẫu này không chỉ là nơi vui thú điền viên của vợ chồng lúc về già mà nó còn mang về nguồn thu khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn trồng rau và các loại cây khác” - ông Lê Văn Quế phấn khởi nói.
Ông Lê Văn Quế trao đổi về kỹ thuật chăm sóc, chiết cành các loại cây ăn quả.
Đam mê làm vườn, yêu thích trồng cây ăn quả nên khu vườn của chị Lê Thị Hiền ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc) mang đậm hồn quê. Nhờ chủ vườn sử dụng hiệu quả diện tích đất vườn đồi, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống mới vào trồng, chăm sóc cẩn thận nên các loại cây như: na, ổi, mít, cam, bưởi... đều rất sai quả.
Tuy không rộng (khoảng 800 m2) nhưng vườn cây ăn trái này là điểm trao đổi, học tập kinh nghiệm của người làm vườn trong vùng. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình chị Hiền có mức lợi nhuận từ làm vườn khoảng 200 triệu đồng.
Chị Lê Thị Hiền đang chăm sóc những quả na trái vụ để chuẩn bị cho thi trường tết sắp tới.
Vốn không có nhiều lợi thế nên cách đây hơn 5 năm về trước, trên địa bàn Lộc Hà không có vườn cây ăn quả quy mô, chỉ một số hộ trồng theo thú vui, làm cảnh kết hợp tự cung ứng cho gia đình. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, các loại giống tốt được bán đại trà, kỹ thuật sản xuất được phổ biến rộng rãi, thị trường tiêu thụ dễ... nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng tập trung, từng bước theo xu thế hàng hóa.
Những khu vườn mẫu cây trái sum suê ở thôn Hữu Ninh, xã Thạch Mỹ.
5 năm gần đây, Lộc Hà đã trồng được gần 250 ha cây ăn quả, tập trung ở những vùng trước đây sản xuất nông - lâm nghiệp không hiệu quả. Ngoài mở rộng diện tích thì chủng loại cây ăn quả cũng khá đa dạng, được trồng ở nhiều vùng thổ nhưỡng phù hợp với từng loài nhưng chủ yếu là cam, chanh, ổi, mít, na, hồng xiêm, thanh long (Hồng Lộc, Thịnh Lộc, Tân Lộc), táo xanh (Độ Độ), dừa (các vùng ven sông Nghèn, sông Én)...
Những diện tích cây ăn quả này đã mang đến sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, tạo điểm nhấn trong vườn mẫu và cảnh quan nông thôn, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Dù chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế nhưng bình quân mỗi ha cây ăn quả ở Lộc Hà cho thu nhập khoảng 150 - 180 triệu đồng/năm (tùy từng loại cây).
Người dân thôn Thái Hòa (xã Phù Lưu) chuẩn bị phân bón để vùn gốc cho những hàng dừa mới được trồng quanh các ao hồ ven sông.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình thông tin: Với mục tiêu chuyển đổi một số diện tích đất rừng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm phù hợp với từng địa phương, huyện Lộc Hà đã có kế hoạch phấn đấu để đến năm 2025 sẽ có gần 350 ha cây ăn quả các loại, tăng gần 100 ha so với hiện tại.
Hướng tới mục tiêu này, huyện vừa ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tại các vùng trọng điểm là các xã bán sơn địa như: Tân Lộc, Hồng Lộc, Thịnh Lộc... Theo đó, các hộ trồng tối thiểu 1 ha được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống (tối đa 15 triệu đồng/ha) và 50% kinh phí đầu tư cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới (tối đa 10 triệu đồng/ha), cũng như được tạo điều kiện về quỹ đất, tiếp cận KHKT, hỗ trợ các vấn đề khác trong sản xuất...