Anh Phạm Văn Huy (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) kiểm tra sức khỏe của tôm nuôi.
Những ngày qua, anh Nguyễn Anh Tuấn tại vùng nuôi tôm Hà Lầm (xã Thạch Sơn, Thạch Hà) thường xuyên theo dõi sức khỏe của hơn 50 vạn tôm giống mới thả được hơn 2 tuần của gia đình.
Anh Tuấn cho biết: “Tôm còn nhỏ, sức đề kháng kém nên mình càng cần phải chú ý. Việc đầu tiên là phải để ý cấp thêm nước cho ao nuôi và đánh vi sinh đáy thường xuyên. Mức nước chuẩn mùa đông cần giữ 1,5 - 2m để làm chậm quá trình đông lạnh nước trong ao nuôi và đảm bảo độ ấm ở tầng đáy”.
Các hộ nuôi tôm tại Hà Tĩnh giảm lượng thức ăn trong những ngày mưa, rét kéo dài.
Được biết, ngoài anh Tuấn, nhiều hộ tại vùng nuôi Hà Lầm cũng đang tích cực chăm sóc, có chế độ ăn bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để đối tượng nuôi sinh trưởng, tăng sức đề kháng, tích lũy chất dinh dưỡng, chống chịu tốt trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp; chủ động bổ sung độ đạm, vitamin C, B-Complex vào thức ăn.
Vừa thả hơn 10 vạn tôm thẻ chân trắng được hơn 25 ngày, anh Phạm Văn Huy (thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) không khỏi lo lắng nếu như thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.
Các chế phẩm vi sinh được người nuôi sử dụng để ổn định môi trường nước, đảm bảo sự phát triển của tôm.
Theo anh Huy, người nuôi cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn thức ăn giàu khoáng chất, vitamin bổ sung cho tôm ăn, giảm thời gian sử dụng quạt sục nước trong các ao vào ban đêm. Điều quan trọng nhất là phải xử lý tốt nước trong ao lắng, tiến hành ngâm nước trong khoảng vài ngày rồi sử dụng hóa chất diệt khuẩn để tiêu diệt toàn bộ yếu tố gây hại. Khi nước trong ao lắng đã được diệt khuẩn tối ưu mới bơm nước sang ao nuôi chính, như thế mới có thể hạn chế được tối đa mần bệnh.
Cùng với đó, anh Huy cũng chủ động giảm lượng thức ăn và nếu nhiệt độ ao xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn để tránh hiện tượng tôm ăn phải thức ăn thừa còn sót lại dưới đáy, ảnh hưởng đến đường ruột và sự phát triển.
Các hộ dân tại thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn khơi thông dòng chảy và trục vớt bèo tây để tránh ảnh hưởng đến các lồng nuôi.
Nhiều hộ nuôi cá lồng bè cũng đang chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý phù hợp. Ông Nguyễn Chuân (thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) cho biết: “Gia đình có gần 0,8 tấn cá chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch và xuất bán. Tôi đã kéo lồng bè về gần bờ để kín gió hơn, hạ lồng xuống sâu để giữ độ ấm môi trường nước.
Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi và các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường; trục vớt bèo tây, khơi thông dòng chảy tránh nước dâng cao làm bèo vây kín lồng khiến cá thiếu oxi”.
Cán bộ chuyên môn của Chi cục Thủy sản theo dõi môi trường nước để có khuyến nghị với người dân và chính quyền địa phương.
Được biết, xã Thạch Sơn (Thạch Hà) có 55 hộ nuôi cá lồng bè, sản lượng đạt khoảng 7 - 8 tấn. Đây là thời điểm người dân tích cực chăm sóc để xuất bán phục vụ thị trường tăng cao dịp cuối năm. Theo chia sẻ của bà con, nếu nhiệt độ còn tiếp tục giảm sâu thì người nuôi cần bán tỉa dần số cá trong lồng, tránh thiệt hại lớn.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 600 ha nuôi tôm, gần 180 lồng bè nuôi cá, khoảng 2.000 ha nuôi cá nước ngọt. Trước diễn biến mới của thời tiết, ngành đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu triển khai đồng bộ, kịp thời giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra và chủ động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.
Những lúc xẩy ra mưa, người nuôi nên bật quạt nước liên tục để tránh phân tầng ao tôm.
Dự báo, từ ngày 16 - 17/12, một đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ ảnh hưởng đến toàn tỉnh khiến nền nhiệt độ giảm sâu. Vì thế, người nuôi trồng thủy sản cần chú ý theo dõi duy trì mực nước ao đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m để ổn định nhiệt độ; cho thuỷ sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤15 độ C thì ngừng cho ăn.
Đối với cá nuôi lồng bè, cần di chuyển lồng bè nuôi đến nơi kín gió, thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2,0m để ổn định nhiệt độ môi trường.
Hằng ngày, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện tự nhiên và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng,… chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xẩy ra hiện tượng thủy sản chết do rét.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thúy - Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh