Những diện tích đất lâm nghiệp dốc, đá như thế này ở Kỳ Xuân khiến người dân không mấy mặn mà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Theo phương án được xây dựng, huyện Kỳ Anh có diện tích rừng được giao là 18.279,6 ha cho 5.361 hộ, thuộc 20 xã. Đến thời điểm đầu tháng 3/2017, UBND huyện đã ban hành quyết định giao, ký GCNQSDĐ lâm nghiệp 13.864 ha/5.361 hộ/20 xã nhưng bàn giao đất, rừng ngoài thực địa mới đạt 12.437 ha/4.764 hộ/20 xã và trao GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân 10.176 ha/3.981 hộ/20 xã. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 13.606 triệu đồng (tỉnh 4.159 triệu đồng; huyện 2.773 triệu đồng; người dân 6.654 triệu đồng); đến nay đã huy động 10.912 triệu đồng (tỉnh 4.230 triệu đồng; huyện 3.289 triệu đồng; người dân 3.393 triệu đồng). Từ những số liệu nêu trên, công tác giao đất, giao rừng ở huyện Kỳ Anh đang đối diện với không ít vướng mắc.
Trước hết, diện tích đã ký nhưng chưa bàn giao thực địa là 1.427 ha/597 hộ và nằm hoàn toàn tại xã Kỳ Lạc. Theo ông Nguyễn Minh Diễn - Trưởng phòng TN&MT huyện, đây là diện tích rừng tự nhiên do Ban Quan lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh chuyển về UBND xã, do đo vẽ lâu năm nên hiện ranh giới thửa bị mất...
Thứ đến là diện tích đã ký nhưng chưa trao GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân (3.688 ha/1.380 hộ/12 xã). Đây là điều tưởng chừng như vô lý nhưng lại xẩy ra trên ½ số xã được giao đất, giao rừng của huyện Kỳ Anh. Tìm hiểu thực tế tại nhiều xã trên, chúng tôi được biết, UBND xã đã thông báo nhiều lần những người dân không đến nhận GCNQSDĐ lâm nghiệp. Ông N.T.M. (xã Kỳ Tây), bộc bạch: Ngoài việc không kiếm đâu đủ số tiền để nộp mới có sổ đỏ thì nhiều diện tích được giao đã dốc, lại là rừng tự nhiên nghèo kiệt, không thấy lợi ích kinh tế mang lại”. Không chỉ ông M., người dân ở nhiều xã cũng đã trả lời như vậy.
Số kinh phí còn thiếu từ phía người dân cũng là khó khăn thứ ba đang tồn tại trong công tác giao đất, giao rừng ở huyện mới này. Theo ông Nguyễn Minh Diễn, huyện, xã đang tập trung rà soát, đối chiếu, xác định lại ranh giới..., diện tích nào đủ điều kiện là bàn giao ngoài thực địa và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân ngay. Cách làm này đang được UBND xã Kỳ Lạc kiên trì thực hiện và đã cho kết quả tốt. “Ngay trong tháng 3/2017, chúng tôi đã cấp được trên 400 ha cho người dân khi đủ điều kiện. Hiện chỉ còn dưới 1.000 ha, kế hoạch đến tháng 6 tới sẽ hoàn thành...” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc Nguyễn Thái Toàn nói.
“Trong quá trình rà soát, những diện tích nào trùng với các quy hoạch khác như: Mỏ, đất nông nghiệp, trang trại, đường..., huyện sẽ đưa ra khỏi đề án giao đất, giao rừng; những diện tích nào giao được, diện tích nào không giao được; hộ nào được giao, hộ nào thuê cũng được làm rõ qua đợt rà soát, đối chiếu này...” - ông Nguyễn Minh Diễn cho biết thêm.
Khi nói về việc người dân thiếu kinh phí nên không thể nhận bìa đỏ dù huyện đã ký, ông Diễn cho rằng, ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu quyền và nghĩa vụ, nên có cách quản lý nào đó cho người dân nợ một chu kỳ khai thác rừng trồng... Thiết nghĩ, đây không chỉ là hướng giải quyết trước mắt vấn đề kinh phí mà còn là sự ổn định tại cơ sở. Người dân sống tại những vùng rừng núi vốn đã khó khăn, thiếu thốn, nay lại vừa nhận rừng, vừa lo giống, dọn, trồng... thì thiếu kinh phí là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, quan điểm của huyện là những diện tích nào do dốc, rừng nghèo kiệt, người dân không mặn mà thì huyện sẽ giao cho xã quản lý, đảm bảo rừng có chủ. Huyện đang cố gắng giải quyết những tồn tại, vướng mắc để giao đất, giao rừng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.