Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

(Baohatinh.vn) - Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng vùng để tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác và khuyến khích liên kết với doanh nghiệp.

Chiều 25/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai đề án sản xuất vụ đông 2020; sơ kết công tác phá ô thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn trong sản xuất lúa; bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý giết mổ gia súc gia cầm.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Phát triển cây trồng có giá trị trên những vùng có lợi thế

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2020, khả năng sẽ có 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết đất liền và 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Tĩnh; nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 -1 độ C, không khí lạnh xuất hiện sớm, đợt rét đậm rét hại đầu tiên vào cuối tháng 12/2020.

Cùng với đó, lượng mưa các tháng 10 và 11 cao hơn TBNN từ 10 - 20%; các sông tại Hà Tĩnh khả năng xuất hiện 1 trận lũ nhỏ và 2 - 3 trận lũ lớn.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh triển khai đề án sản xuất vụ đông

Theo nhận định của Sở NN&PTNT, bên cạnh thuận lợi, sản xuất vụ đông 2020 có một số khó khăn như: Thời tiết vẫn hết sức phức tạp, khó lường, rủi ro do thiên tai gây ra đối với sản xuất vụ đông cao; chưa có doanh nghiệp đủ mạnh làm đầu kéo ổn định trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các đối tượng gây hại đối với cây trồng vụ đông, đặc biệt là đối tượng gây hại mới.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng: Sản xuất vụ đông 2020 Hương Sơn có khá nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi có lợi thế, giá trị kinh tế cao như: Chè công nghiệp, cam, chanh, hươu...

Qua phân tích thuận lợi, khó khăn, quan điểm chỉ đạo của ngành nông nghiệp và thống nhất của các địa phương xác định vụ đông là vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ và cung cấp thức ăn cho gia súc. Tập trung phát triển các đối tượng cây trồng có giá trị trên những vùng có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ, né tránh thiên tai nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị trên đơn vị diện tích. Phát huy kinh tế vườn hộ, chủ động trong việc phục vụ đời sống dân sinh và kết nối các sản phẩm tiêu biểu.

Phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn

Năm 2017, huyện Cẩm Xuyên bắt đầu xây dựng mô hình phá bỏ bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn kết hợp cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa. Đến nay, toàn tỉnh có 3 địa phương triển khai (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh) với tổng diện tích lũy kế thực hiện đến tháng 8/2020 là 1.264,7 ha.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Việc phá bờ thửa nhỏ làm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất (Ảnh tư liệu).

Kết quả triển khai mô hình cho thấy, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích sản xuất do tăng diện tích canh tác, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất từ làm đất, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.

Hình thành cánh đồng lớn theo hướng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác” tạo sản phẩm hàng hóa đồng nhất, số lượng đủ lớn phục vụ cho doanh nghiệp liên kết các khâu trong quá trình sản xuất.

Thuận lợi trong việc thực hiện cơ giới hóa, điều tiết thủy lợi, điều tra phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như: Số diện tích có địa hình bằng phẳng không nhiều nên việc mở rộng gặp khó khăn, kinh phí cải tạo mặt bằng lớn, người dân không đủ năng lực thực hiện, đồng thời chưa có các doanh nghiệp đủ mạnh để hỗ trợ thực hiện.

Đăng ký hỗ trợ phát triển chăn nuôi với tổng kinh phí hơn 36,3 tỷ đồng

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Trần Hùng: Chính quyền một số nơi còn chưa thực sự quan tâm thường xuyên đối với công tác quản lý giết mổ trên địa bàn, nhất là còn nhiều xã để xảy ra tình trạng giết mổ gia súc tại nhà sai quy định.

Trong 8 tháng đầu năm, tình hình tái đàn trong chăn nuôi nông hộ diễn ra chậm; giá lợn giống, lợn hơi giao động ở mức cao. Hiện tại, giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 80.000 – 83.000 đồng/kg, lợn giống 3 - 3,5 triệu đồng /con.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; đồng thời tham mưu chính sách hỗ trợ phục hồi chăn nuôi lợn đối với các trang trại, nông hộ gặp khó khăn phải dừng chăn nuôi.

Đến nay, 10 huyện, thị xã (3 địa phương chưa hoàn thành gồm: Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh) đã đăng ký kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ (Nghị quyết số 214/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19) với tổng số tiền hơn 36,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua soát xét ban đầu của Sở NN&PTNT cho thấy, nhiều huyện đang tổng hợp từ số liệu theo nhu cầu, báo cáo của cấp xã, chưa rà soát về đối tượng, điều kiện cụ thể đảm bảo đúng quy định của chính sách.

Xây dựng các mô hình sản xuất mới, có giá trị kinh tế cao

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn hoan nghênh các địa phương, mặc dù trong điều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nắng hạn kéo dài... nhưng đã chỉ đạo sản xuất bám sát, theo dõi tình hình thời vụ, dịch bệnh, đảm bảo vụ hè thu đạt kết quả cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến thời tiết, chỉ đạo thu hoạch vụ hè thu để đảm bảo thắng lợi toàn diện.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Về triển khai sản xuất vụ đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung đề án sản xuất vụ đông năm 2020, các chủ trương, chính sách, các mô hình sản xuất liên kết, tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ, diễn biến thời tiết, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đến tận người sản xuất.

Trên cơ sở thành công của những mô hình vụ đông năm 2019, các địa phương căn cứ tình hình thực tế và dự báo thị trường tiêu thụ để triển khai nhân rộng. Đồng thời, căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng vùng để tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất mới theo hướng đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác và khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp.

Vụ đông 2020: Tập trung phát triển cây trồng có giá trị, né tránh thiên tai

Điểm cầu Hương Sơn

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, báo cáo xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2020 đảm bảo tỷ lệ, chất lượng...

Đối với công tác quản lý giết mổ, phân công trách nhiệm cho chính quyền cấp xã để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh, giết mổ trên địa bàn nhằm xóa bỏ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại nhà không được kiểm soát.

Hà Tĩnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ đông 2020 đạt 10.959 ha, trong đó: ngô lấy hạt 3.036 ha, năng suất 35,88 tạ/ha, sản lượng 10.893 tấn; ngô sinh khối 2.026 ha, năng suất 27 tấn/ha, sản lượng 54.670 tấn; khoai lang 1.569 ha, năng suất 60,64 tạ/ha, sản lượng 9.512 tấn; rau các loại 4.328 ha, năng suất 58,36 tạ/ha, sản lượng 25.254 tấn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.