Xem vườn cây ăn quả màu mỡ của đôi vợ chồng trẻ ở xứ ca trù Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năng động, nhạy bén, vợ chồng nông dân trẻ Chu Hải Nguyên và Trần Thị Cúc (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã thành công trong việc phát triển vườn cây ăn quả, thu về gần 700 triệu đồng/năm.

Video: Vườn cây ăn trái xanh mướt, trĩu quả của gia đình anh Chu Hải Nguyên

Vườn cây ăn quả xanh tốt, xum xuê của anh Chu Hải Nguyên (SN 1986) và chị Trần Thị Cúc (SN 1988, ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm) có diện tích hơn 8.000 m2. Hiện nay, trong vườn có hàng trăm cây ổi, mít, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Vườn cây này là tâm huyết của vợ chồng anh tạo dựng đã được hơn 5 năm nay. “Vùng đất này trước đây là ruộng bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, tôi phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng cải tạo, đào ao, xây bờ bao, đầu tư hệ thống tưới nước tự động công nghệ Israel để trồng cây ăn quả” - anh Nguyên chia sẻ.

Ý định đầu tư trồng vườn cây ăn quả đã được anh nung nấu từ lúc còn xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Thời gian đó, những ngày nghỉ, anh Nguyên thường tranh thủ đến các nông trại trồng táo, trồng đào… tham quan và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây của người bản địa.

Anh Nguyên tâm sự: Qua tìm hiểu, tôi thấy họ áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành để cây ra hoa đúng dịp, đậu quả quanh năm. Cùng đó là quá trình chăm sóc, bón phân đảm bảo tỷ lệ phù hợp từng giai đoạn phát triển để cây đem lại năng suất, sản lượng như mong muốn.

Năm 2018, anh mua 180 gốc giống ổi lê Đài Loan về trồng thử nghiệm. Trong quá trình chăm sóc, anh không lạm dụng phân bón vô cơ mà lấy ủ cỏ để làm nguồn phân hữu cơ nhằm điều hòa hệ sinh thái cho đất, đồng thời giữ độ ẩm cho cây, nhất là vào mùa nắng nóng.

Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, vườn ổi lê Đài Loan sinh trưởng tốt. Tiếp đó, anh đầu tư thêm giống ổi ruột đỏ AT 36, giống ổi Đài Loan. Đến nay, trong vườn có hơn 580 cây ổi các loại.

Đặc điểm của những giống ổi là cho thu hoạch quanh năm nên đưa lại thu nhập thường xuyên cho vợ chồng anh. Ổi từ vườn của anh Nguyên cung ứng khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh. “Vườn ổi cho quả quanh năm, bình quân mỗi năm đạt sản lượng khoảng 45 - 50 tấn, bán với giá 20 - 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về hơn 500 triệu đồng” - chị Trần Thị Cúc phấn khởi nói.

“Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm ổi của gia đình anh chị Nguyên - Cúc rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2022, gia đình đã xuất khẩu được 6 tấn ổi sang thị trường Hàn Quốc.

Cùng với ổi, trong vườn của vợ chồng anh Nguyên còn trồng gần 200 cây mít các giống: Thái Lan, Malaysia và mít ruột đỏ.

Theo anh Nguyên, những giống mít trên dễ trồng, ít công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của vùng đất Nghi Xuân.

Những cây mít có thời gian sinh trưởng ngắn, đậu trái quanh năm, múi mọng và giòn ngọt. Mỗi năm, mít cho sản lượng bình quân đạt từ 10 - 12 tấn, mang về cho vợ chồng anh hơn 180 triệu đồng tiền lãi.

Khai thác tối đa gia trị từ kinh tế vườn, gia đình còn nuôi thêm hàng trăm con gà, tận dụng các loại quả loại hỏng làm thức ăn và tận dụng chất thải của gà để làm phân bón cho cây ăn quả.

Biết phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với sự chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất của mình, gia đình anh Chu Hải Nguyên và chị Trần Thị Cúc đã có thu nhập khá từ mô hình trồng cây ăn quả. Điều quan trọng, mô hình cũng góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.

Ông Lê Anh Đức

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói