Mỗi ngày, từ khoảng 3 - 4 giờ chiều, cánh đồng trồng cà rộng gần 7 ha của HTX sản xuất rau an toàn và chăn nuôi ở thôn Sơn Phú, xã Thượng Lộc lại nhộn nhịp kẻ bán người mua. Người dân thoăn thoắt thu hái từng giỏ cà đầy ắp rồi bán cho thương lái ngay trên đồng.
Thời tiết thuận lợi nên năm nay cà rất đẹp và ngọt.
Bắt đầu thu hoạch cà ngay sau tết, đến nay, chị Phan Thị Lương ở thôn Sơn Phú đã hái được 3 đợt, trung bình mỗi đợt thu về từ 500 ngàn đến gần 1 triệu đồng.
“Những ngày đầu tiên của năm mới, giá cà khá cao, bán sỉ tại đồng đã 18 - 20 ngàn đồng/kg, sau đó, giá cà hạ dần và đến nay khoảng 13 - 15 ngàn đồng/kg. Giá cà như vậy là tương đối ổn định, quan trọng hơn là cà thu hoạch đến đâu, thương lái chờ mua đến đó nên chúng tôi không lo về đầu ra sản phẩm. Ước tính, hơn 1 sào cà sẽ mang về cho tôi hơn 20 triệu đồng/vụ, hiệu quả gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa” - chị Lương chia sẻ.
Đây là vụ cà chính ở Thượng Lộc (trồng từ tháng 10, thu hoạch từ sau tết và kết thúc vào cuối tháng 3 âm lịch).
Được biết, mỗi năm, cà dừa được sản xuất 2 vụ, cà trái được trồng từ tháng 9 và thu hoạch xong trước tết. Vụ chính bắt đầu trồng từ tháng 10, thu hoạch từ sau tết và kết thúc vào cuối tháng 3 âm lịch.
Theo những người trồng cà ở Thượng Lộc, năm nay, thời tiết ủng hộ, đầu vụ thời tiết nắng ấm, rất thuận lợi cho bà con làm đất, xuống giống và chăm sóc; giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, thời tiết lại se lạnh nên cây phát triển tốt hơn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả nhiều hơn.
Vụ thu hoạch chính kéo dài từ nay đến cuối tháng 3.
Chị Hà Thị Lá ở thôn Sơn Phú cho biết: “Trồng cà khá vất vả, nhất là giai đoạn đầu, phải thường xuyên tưới nước, từ sau khi địa phương triển khai khoanh vùng trồng cà tập trung, đường sá, kênh mương được đầu tư, giúp chúng tôi đỡ vất vả trong chăm sóc cây. Năm nay, thời tiết lại ủng hộ nữa nên chất lượng cà tốt hơn, đẹp hơn, nhờ đó, cà được giá hơn những năm trước”.
Thương lái thu mua cà ngay tại ruộng.
Với lịch thu hái 3 ngày 1 đợt, mỗi đợt từ 20 - 30kg, chị Lá không nhập cho thương lái mà trực tiếp mang ra chợ bán. Bằng cách này, chị bán được giá cao hơn giá trên đồng.
Cà bán ở chợ cao hơn bán tại ruộng từ 4 - 5 giá nên cùng với việc thu hoạch cà của gia đình, nhiều nông dân trong vùng còn thu gom, bao tiêu sản phẩm của bà con, kiếm thêm thu nhập.
Chị Trần Thị Ất - thương lái ở thôn Sơn Phú cho biết: “Ngoài 1 sào cà của gia đình, tôi cũng kết hợp thu mua thêm của bà con để bán ở các chợ trong và ngoài huyện. Cũng là người làng, quen biết nên việc mua bán rất thuận lợi. Mỗi ngày, với khoảng 2 tạ cà thu gom đem đi bán ở các địa phương lân cận như: TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân... tôi kiếm thêm được gần 1 triệu đồng”.
Thương lái thu mua sản phẩm là người dân trong xã.
Đến thời điểm hiện tại, xã Thượng Lộc có khoảng 350 hộ trồng cà trên diện tích hơn 21 ha. Diện tích cà rải rác ở tất cả 10 thôn, nhưng tập trung nhiều nhất là ở thôn Sơn Phú với khoảng 7 ha. Năng suất ước tính khoảng 13 tấn/ha, tổng thu ước đạt trên 4 tỷ đồng.
Từ lợi ích của cây cà và tiềm năng đất đai của địa phương, thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, đặc biệt, năm nay, xã đang phấn đấu xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng cao giá trị hàng hóa, tạo đầu ra bền vững, giúp bà con yên tâm sản xuất.