Sáng 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại TX Hồng Lĩnh và huyện Hương Sơn. Cùng đi có Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại tá Lê Khắc Thuyết – Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các địa phương liên quan. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn đã đi thực địa kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực núi Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn thực địa kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại núi Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh).
TX Hồng Lĩnh có 1.782 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, có 1.456 ha do BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý, 159 ha do 46 hộ gia đình, cá nhân quản lý và 167 ha do UBND các xã quản lý. Đặc biệt, trong số này có 1.200 ha rừng trọng điểm dễ cháy, tập trung chủ yếu ở dãy núi Hồng Lĩnh.
TX Hồng Lĩnh có 1.200 ha rừng trọng điểm dễ cháy, tập trung chủ yếu ở dãy núi Hồng Lĩnh.
Thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, ngay từ đầu năm, các chủ rừng và chính quyền các địa phương TX Hồng Lĩnh đã chủ động ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng phương án, trực cháy, "4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần)...
TX Hồng Lĩnh đã tổ chức tuyên truyền, ký 6.296 bản cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại 11 trường học, 16 thôn xóm; làm mới, tu sửa 34,6 km đường băng cản lửa, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy 281 ha...
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn đã đi thực địa kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực rừng xã Kim Hoa; hệ thống camera giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn; làm việc với lãnh đạo huyện Hương Sơn cùng các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, chủ rừng trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn đi thực địa kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực rừng xã Kim Hoa.
Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nên ngay từ đầu năm, huyện Hương Sơn đã thành lập 189 tổ, đội xung kích, trực tuần tra, canh gác lửa rừng với 2.406 thành viên; chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”; duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực để phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy.
Toàn huyện cũng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề trong các nhà trường, cộng đồng dân cư; ký 5.065 bản cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại 21 trường học, 32 thôn, xóm; tu sửa, xây dựng 26,8 km đường băng cản lửa, 3 chòi canh lửa, 51 biển tường cố định, 526 biển cấm lửa...
Đoàn tham quan hệ thống camera giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện Hương Sơn và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, chủ rừng trên địa bàn đã làm rõ thêm một số nguyên nhân gây cháy rừng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hương Sơn và các đơn vị liên quan.
Ngoài các tồn tại, khó khăn khách quan như: Hà Tĩnh nằm trong khu vực có khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp của gió Lào, diện tích rừng dễ cháy lớn… thì vẫn còn một số tồn tại, khó khăn chủ quan như: công trình, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng đã được xây dựng, tu sửa, mua sắm qua các năm nhưng chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; Chỉ thị 1685/CP quy định “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất rừng tự nhiên” nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiềm ẩn nguy cơ sẻ phát rừng tự nhiên trái pháp luật để trồng rừng, trồng cây ăn quả...
Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ: Việc huy động nguồn kinh phí của chủ rừng, UBND các xã, huyện đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng chưa nhiều.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng.
Hà Tĩnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khách quan dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải luôn chủ động “4 tại chỗ”, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng”
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao mô hình trạm camera giám sát bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng của Hương Sơn và một số địa phương trên địa bàn đã đầu tư, lắp đặt. Đây là một trong những nội dung về chuyển đổi số trong nông, lâm nghiệp đang từng bước được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư) thực hiện nghiêm túc quyền, nghĩa vụ về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; củng cố, kiện toàn các trạm bảo vệ rừng để hoạt động hiệu quả; thành lập, quản lý, đảm bảo kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện hoạt động tổ, đội bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Hương Sơn và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng tụ tập, tổ chức hành lễ đông người khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.