BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phủ xanh diện tích rừng bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn tháng 6/2019 (Trong ảnh: Đội trồng rừng của anh Trần Mạnh Hà trồng rừng tại tiểu khu 92A, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân).
Có mặt tại khu rừng thiệt hại nặng nề sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 92A (thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, Nghi Xuân), anh Trần Mạnh Hà (32 tuổi), một chủ hộ trồng rừng cho biết: “Theo sự phân công của Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tôi nhận trồng 7 ha đất rừng. Với 20 công nhân, bắt đầu trồng từ ngày 16/1 đến nay, đội của tôi đã trồng được 3,5 ha. Dự kiến hết tháng 2/2020, chúng tôi sẽ hoàn thành phần diện tích đã nhận”.
Đây là thời điểm thời tiết ấm, độ ẩm cao thích hợp cho cây con nhanh bén rễ
Thông tin từ BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, ngoài anh Trần Mạnh Hà, hiện tại, việc trồng thay thế 52,1 ha rừng Hồng Lĩnh bị thiêu rụi giữa năm 2019, thuộc địa bàn xã Xuân Hồng (4,8 ha) và thị trấn Xuân An (47,3 ha) được giao cho 8 đội, với số công nhân lên đến gần 200 người.
Để đẩy nhanh tiến độ theo sự chỉ đạo của BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, những ngày đầu xuân Canh Tý, nhiều chủ hộ nhận khoán trồng rừng không chỉ ra quân từ mồng 5, 6 tết mà còn kêu gọi thêm lực lượng để cố gắng vượt tiến độ.
Theo kế hoạch ban đầu, việc trồng 10 vạn cây thông và keo tràm thay thế 52,1 ha rừng thiệt hại sẽ phải hoàn thành trước tháng 3/2020. Đến nay, sau gần 1 tháng (15/1 - 5/2/2020), số diện tích mà BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã trồng được khoảng 26 ha, đạt 50% kế hoạch.
Với tiến độ như hiện tại, dự kiến 50% diện tích còn lại sẽ được các đội trồng rừng hoàn thành vào cuối tháng 2/2020, trước kế hoạch 1 tháng.
Một cây thông con nhanh chóng phát triển tốt sau khi được trồng
“Sở dĩ chúng tôi đốc thúc các đội trồng rừng bổ sung lực lượng và “tăng tốc” để đẩy nhanh tiến độ là vì đây là thời điểm lý tưởng cho việc sinh trưởng của cây con trên đất rừng Hồng Lĩnh. Khoảng thời gian lập xuân, thời tiết khá ấm, độ ẩm cao, trồng đúng vào thời điểm này, cây non sẽ nhanh bén rễ và sinh trưởng ổn định, đợi khi thời tiết ấm lên vào cuối xuân và nắng nóng vào mùa hè cây vẫn đảm bảo phát triển tốt” - Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh - Nguyễn Hải Vân cho hay.
Để phòng cháy và sâu róm phá hại một cách bền vững, rừng được trồng theo đường băng xen kẽ giữa cây thông và keo.
Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết thêm: “Trong lần trồng thay thế này, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã lập thiết kế trồng rừng phòng hộ theo đường băng. Nghĩa là, trồng theo luồng xen kẽ: một luồng 8 hàng keo, sẽ tiếp nối một luồng 10 hàng thông. Việc trồng phân luồng theo đường băng xen kẽ sẽ giải quyết được 2 việc: ngăn chặn dịch sâu róm phá hại cây thông và việc phòng cháy cũng như xử lý khi hỏa hoạn xẩy ra sẽ dễ dàng hơn”.
Dự án trồng rừng thay thế của BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 với mức đầu tư 2,154 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: trồng và chăm sóc ban đầu (năm 2020); chăm sóc sau khi trồng (từ 2021 - 2023). |