Cô gái khiếm thị Hà Tĩnh vượt khó, trở thành giáo viên tiếng Anh

(Baohatinh.vn) - Sinh ra ở vùng quê nghèo, lại bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng với sự giúp đỡ của cộng đồng và nỗ lực của bản thân, cô gái trẻ Phạm Thị Nhân (ở thôn Nội Trung, xã An Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã không ngừng vươn lên, thực hiện thành công ước mơ của mình.

Video: Cô giáo Phạm Thị Nhân chia sẻ về bản thân bằng tiếng Anh.

Sinh năm 1995 và bị khiếm thị hoàn toàn, năm 2001, Phạm Thị Nhân được tham gia lớp học chữ Braille do Hội Người mù Hà Tĩnh tổ chức.

Một năm sau (2002), thông qua giới thiệu của Hội Người mù tỉnh, Nhân được vào tham gia sinh hoạt và học tập tại Mái ấm nhà mở ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, nhờ có nền tảng thông thạo chữ Braille, Nhân từng bước hòa nhập với các bạn cùng trang lứa tại trường tiểu học rồi THCS và THPT.

Cô gái khiếm thị Phạm Thị Nhân

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT, Nhân thi đỗ vào Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật (VHNT).

Dù lựa chọn ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng VHNT để theo học nhưng năm 2019, sau khi tốt nghiệp, Nhân quay lại Trường Đại học KHXH&NV để hoàn thành chương trình văn bằng 2 Tiếng Anh, đồng thời lấy chứng chỉ IELTS đạt số điểm 6.5.

Từ tháng 4/2021, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở miền Nam, các cơ sở giáo dục tạm thời đóng cửa, Phạm Thị Nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình. Trong ảnh: Chị Nhân (bên phải) và em gái.

Từ đầu năm 2020, cô được mời làm giáo viên đứng lớp giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ Kim Nhung (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Với một giáo viên bị khiếm thị, khi đảm nhận công việc dạy tiếng Anh cho học sinh bình thường, Nhân gặp nhiều khó khăn trong quá trình soạn và chuyển giáo án sang chữ Braille, thực hiện giáo án PowerPoint. Để đảm bảo việc dạy diễn ra thuận lợi, trung tâm cử một nhân viên trợ giảng giúp Nhân. Nhờ vậy, công việc dạy học của Nhân thuận lợi hơn, cô được đánh giá phát âm chuẩn, dễ nghe.

Cô giáo Anh ngữ Phạm Thị Nhân chia sẻ: “Từ bé, ước mơ lớn nhất của em là được đi học để khi lớn lên có thể tự làm việc nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội. Đó là lý do để dù đôi lúc nản chí nhưng em vẫn cố gắng vượt qua.

Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên khi em trở thành cô giáo Anh ngữ. Quả thực, việc học tiếng Anh đối với một người khiếm thị là rất khó khăn. Tuy nhiên, tiếng Anh là niềm đam mê và em dành nhiều thời gian để luyện nghe, phát âm, nhất là qua âm nhạc, các chương trình phát thanh.

Hơn nữa, thời gian sinh hoạt dưới “Mái ấm nhà mở”, em được giao tiếp nhiều với người nước ngoài nên đã học được nhiều về phát âm. Trong quá trình đi học, em nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè nên việc học cũng trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt, các bạn thường xuyên hỗ trợ em thực hành để luyện tập, hoàn thiện vốn từ vựng và ngữ pháp".

Nhân tranh thủ thời gian nghỉ dịch để có những phút giây sum vầy bên người thân. (Trong ảnh: Nhân và con chị gái).

Rời vòng tay bố mẹ đi học xa nhà lúc mới 7 tuổi, Phạm Thị Nhân lúc đó không tránh khỏi sự quyến luyến gia đình. Nhất là mỗi dịp sau 3 tháng hè được về quê đoàn tụ cùng người thân, sống trong vòng tay bố mẹ, chị em, đã có lúc, cô chùn bước muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nghị lực và khát vọng vươn lên đã tiếp thêm động lực để Nhân vượt lên.

Nếu như những năm học trung học, Nhân được sự bảo trợ hoàn toàn từ Mái ấm nhà mở thì quãng thời gian học cao đẳng và đại học, cô phải tự lo một phần kinh phí. Thời gian này, Nhân đã đi làm thêm nhiều việc như gia sư, nhân viên mát xa ở trung tâm của hội người mù để trang trải cuộc sống.

Cuối tháng 4/2021, khi các tỉnh miền Nam bùng phát dịch COVID-19, Nhân trở về quê nhà ở xã An Dũng (Đức Thọ).

Bà Đào Thị Hồng (52 tuổi, mẹ Nhân) chia sẻ: “Ngày đó, mỗi lần con về rồi đi, tôi thương lắm nhưng chính con lại động viên để chúng tôi yên lòng. Tôi luôn dõi theo từng bước đi của con và khá yên tâm cháu rất tự lập. Đến giờ, điều mà Nhân làm được khiến gia đình tôi không chỉ tự hào mà còn nể phục”.

Dù sống xa quê và tự mưu sinh để trang trải cuộc sống nhưng Nhân vẫn luôn hướng về quê nhà. Đặc biệt, cô dành sự quan tâm đến những hội viên người mù có hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Nhân đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục hội viên mù gặp hoàn cảnh éo le trên địa bàn huyện Đức Thọ với số tiền hơn 10 triệu đồng.

Những ngày trở về quê tránh dịch, Nhân hạnh phúc trong vòng tay của mẹ và chị em trong gia đình.

Cuối tháng 9/2021 vừa qua, Nhân cũng đã tham dự và đạt giải nhất cuộc thi “Đọc, viết nhanh chữ Braille” do Hội Người mù Hà Tĩnh tổ chức.

Chia sẻ về tương lai, Phạm Thị Nhân bày tỏ: “Để có được ngày hôm nay, bên cạnh sự ủng hộ của gia đình, em rất biết ơn sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội đã luôn quan tâm, chia sẻ. Vì thế, em sẽ luôn cố gắng và mong muốn sau này khi có điều kiện sẽ trở về quê hương để làm điều gì đó giúp đỡ cho những trẻ em khiếm thị vươn lên”.

Với sự tiếp sức của các tổ chức xã hội và đặc biệt là nghị lực mạnh mẽ, em Phạm Thị Nhân là tấm gương sáng trong cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị Đức Thọ nói riêng

Ông Nguyễn Cảnh Dương - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói