Cô giáo mầm non tích cực lan tỏa dân ca ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Bằng tình yêu, trách nhiệm với di sản văn hóa quê hương, cô Tô Thị Nguyệt (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã mang các làn điệu dân ca ví, giặm đến với nhiều sân khấu lớn nhỏ.

Có chất giọng dân ca ví, giặm bẩm sinh, được đào tạo bài bản về chuyên ngành sư phạm âm nhạc của Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương, nhưng cô Tô Thị Nguyệt (SN 1973 - giáo viên Trường Mầm non thị trấn Thạch Hà) vẫn thấy mình là người không tự tin khi trình diễn, không “dạn sân khấu” như cách nói của những người trong giới nghệ thuật biểu diễn.

Cô giáo Tô Thị Nguyệt tâm huyết gìn giữ và lan tỏa giá trị của di sản dân ca ví, giặm.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã mê hát dân ca, lớn lên theo đuổi ngành học về âm nhạc và chuyên tâm hơn vào loại hình diễn xướng dân gian nhưng lại rất ngại ánh đèn sân khấu. Năm 1996, tôi trở thành giáo viên tổng phụ trách đội, công việc thường xuyên gắn liền với hoạt động âm nhạc nên tôi cũng dần luyện cho mình sự tự tin, phong thái biểu diễn trước đám đông. Sau này, trải qua các vị trí công tác như giáo viên âm nhạc, giáo viên mầm non, tôi đã tích cực trao truyền tình yêu, đam mê dân ca cho các thế hệ học sinh của mình”.

Năm 2012, cô vinh dự được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Cùng với niềm vui, tự hào, cô Nguyệt càng nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong góp phần gìn giữ, phát huy, lan tỏa giá trị di sản của cha ông.

Cô Nguyệt trong một tiết mục biểu diễn dân ca ví, giặm.

Theo đó, cô đã tích cực tham gia CLB Dân ca ví, giặm của thị trấn Thạch Hà. Với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB, cô Nguyệt đã kết nối với những cá nhân có năng khiếu và niềm đam mê với dân ca, đặc biệt là giáo viên âm nhạc, giáo viên tổng phụ trách đội trên địa bàn.

Từ tình yêu, trách nhiệm với di sản văn hóa quê hương, cô Nguyệt đã cùng với các đồng nghiệp trở thành những nhân tố tiêu biểu, tích cực trong việc đưa ví, giặm đến với các sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.

Đội văn nghệ của huyện Thạch Hà đã giành giải nhất Liên hoan "Tiếng hát giáo viên ngành GD&ĐT năm 2020" của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Cô Nguyệt chia sẻ: “Trước đây, tôi vẫn nghĩ, lên sân khấu là phải “phô diễn” kỹ thuật, nhưng càng về sau, tôi nhận ra, với ví, giặm, càng chân chất, dân dã thì càng bộc lộ được nét duyên, nét đẹp của dân ca, càng thể hiện được những ẩn ý sâu xa mà cha ông ta gửi gắm trong từng lời ca, câu hát. Thế nên, tôi cứ diễn theo bản năng và tình yêu với từng câu ví”.

Với giọng hát trong trẻo, nét diễn hồn hậu, cô Nguyệt đã góp phần cùng tập thể giành nhiều thành tích cao tại các liên hoan, hội diễn như: giải nhì toàn đoàn Liên hoan Đàn hát dân ca 3 miền; giải nhì Liên hoan Tiếng hát giáo viên toàn quốc; giải nhất Liên hoan tiếng hát giáo viên ngành GD&ĐT toàn tỉnh…

Cô Nguyệt (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp tích cực tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ nhằm lan tỏa di sản quê hương.

Bên cạnh hoạt động biểu diễn, cô Nguyệt cũng tham gia quay hình các MV dân ca, phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Thạch Hà thực hiện các chương trình văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về dân ca ví, giặm trong các trường học…

Với mong muốn lan tỏa tình yêu, giá trị của những làn điệu ví, giặm, tại ngôi trường mầm non đang giảng dạy, cô cũng đã thành lập câu lạc bộ dân ca ví giặm với sự tham gia của các giáo viên, học sinh. “Tôi mong muốn, các đồng nghiệp và học sinh của mình biết hát dân ca và tự tin biểu diễn để góp phần lan tỏa cái đẹp, cái hay của ví, giặm quê nhà” - cô Nguyệt chia sẻ.

Cô Tô Thị Nguyệt là một giáo viên năng nổ, tâm huyết với hoạt động văn hóa trên địa bàn; có niềm đam mê với dân ca ví giặm và trách nhiệm trong việc trao truyền, lan tỏa loại hình nghệ thuật diễn xướng này. Cô Nguyệt cùng các thành viên CLB Dân ca ví, giặm nói riêng, đội văn nghệ của huyện Thạch Hà nói chung là những cộng tác viên tuyên truyền văn hóa lưu động tích cực của Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện nhà”.

Ông Phan Tố Hoài - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Thạch Hà.

Cô Nguyệt cùng đồng nghiệp biểu diễn tiết mục dân ca ví, giặm “Đối đáp dân cá gỗ trẩy kinh” tại Liên hoan “Tiếng hát giáo viên ngành GD&ĐT năm 2022".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói