Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Trọng Tạo đã bước vào vụ cho quả thứ 2 với năng suất ổn định.
Phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn ưu đãi
Cuộc sống của gia đình Nguyễn Trọng Tạo (thôn Hưng Bình, Lộc Yên) giờ đã có nhiều thay đổi. Anh tự tin đầu tư làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ có vốn để phát triển chăn nuôi và trồng bưởi Phúc Trạch.
Anh Tạo cho biết: “Thông qua tổ vay vốn - tiết kiệm, vợ chồng tôi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Hương Khê. Đến nay, gia đình đã có hơn 50 gốc bưởi trong vườn đang cho quả vụ thứ 2 và 2 con bò nái chất lượng cao. Năm nay, nếu thuận lợi, chúng tôi có thể thu về hơn 100 triệu đồng. Như thế này đối với gia đình đã là tốt lắm rồi!”.
NHCSXH luôn đồng hành cùng người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trong phát triển kinh tế.
Với mong muốn làm giàu, cải thiện đời sống trên quê hương, năm 2017, ông Trần Văn Hiển (thôn 1, Hương Liên) tìm đến NHCSXH để vay 50 triệu đồng trồng cây keo tràm. Được hỗ trợ, ông tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, đến nay, gia đình đã có 8 ha keo tràm phát triển tốt với độ tuổi trên 3 năm và 2 ha chuẩn bị cho thu hoạch.
Ông Hiển cho biết: “Cây keo tràm để càng lâu thì giá trị kinh tế càng cao. Cây keo được 5 năm thì có thể thu từ 50 - 60 triệu đồng/ha, trên 5 năm là từ 70 - 80 triệu/ha. Trong lúc khó khăn, không biết bấu víu ở đâu để có tiền làm ăn, tôi được tham gia vay vốn ở NHCSXH với thủ tục nhanh gọn, giải ngân thuận tiện. Bây giờ, gia đình đã có những thành quả bước đầu, cuộc sống khấm khá hơn xưa rất nhiều”.
Người dân huyện Hương Khê tập trung tận dụng thế mạnh của địa phương để trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi...
Ông Trần Đình Lâm - Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Yên cho hay: “Nhờ các chương trình vay vốn tín dụng như cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn..., hàng trăm người dân tại xã đã và đang được tạo điều kiện, “trợ lực” để phát triển kinh tế. Với định hướng tập trung vào các mũi nhọn của địa phương như khai hoang vườn tạp, chăn nuôi trâu bò, trồng bưởi, cam…, toàn xã đến nay đã có trên 300 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 20 – 100 triệu đồng/năm”.
Dư nợ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ cao
Xã Lộc Yên từng bước phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả... nhờ nguồn vốn từ NHCSXH huyện Hương Khê.
Theo đánh giá của người dân, vốn vay của NHCSXH có lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh chóng, nhiều trường hợp có thể thực hiện vay vốn mà không cần thế chấp. Người dân cũng thực hiện trả lãi thông qua tổ tiết kiệm - vay vốn, góp phần giảm thiểu về thời gian, chi phí đi lại.
Bên cạnh ưu tiên nguồn vốn cho vay, ngân hàng luôn cùng với chính quyền cấp xã, đoàn thể, tổ tiết kiệm - vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra hộ vay theo hướng “cầm tay chỉ việc” để hỗ trợ người dân chủ động dùng nguồn vốn đầu tư kinh doanh, trồng rừng, chăn nuôi…, cải thiện sinh kế cho gia đình.
Các hoạt động giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại xã, thuận tiện cho người dân.
Được biết, đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Hương Khê đạt trên 452,7 tỷ đồng với 15 chương trình hỗ trợ tính dụng. Đặc biệt, dư nợ các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân chiếm tỉ lệ rất lớn, đạt trên 360,5 tỷ và có hơn 8,6 nghìn hộ trên địa bàn tham gia vay vốn.
Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt hơn 131,1 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo đạt hơn 85,2 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt hơn 62,4 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt hơn 70,5 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm đạt 9,1 tỷ đồng...
Cây keo tràm giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Ông Lê Viết Thông - Giám đốc NHCSXH huyện Hương Khê cho biết: “Các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Từ nguồn vốn ưu đãi, người dân Hương Khê nhất là các hộ nghèo, cận nghèo đã tận dụng lợi thế sẵn có, đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm - vay vốn, bảo đảm hoạt động ổn định”.