Thương hiệu dưa muối của bà Thắm khá nổi tiếng cả trong và ngoài xã
Với trên 10 sào đất màu trong khuôn viên trang trại, nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm chủ yếu trồng lạc và một số cây hoa màu khác thường cho năng suất thấp, thu nhập không đáng là bao. Sau nhiều trăn trở chuyển đổi cây trồng, tìm hướng phát triển kinh tế nhưng chưa hiệu quả, đến năm 2017, bà Thắm quyết định lựa chọn trồng dưa sau đó muối để bán.
Không chỉ phải có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon, bà Thắm xem việc đảm bảo an toàn là tiêu chí hàng đầu
Từ kinh nghiệm muối dưa sử dụng trong gia đình, bà Thắm khá thuận lợi trong việc tiếp cận thêm những kiến thức mới và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật muối dưa. Riêng việc trồng dưa nguyên liệu được xác định là khó khăn hơn do diện tích lớn, đất đai không phù hợp với cây dưa.
Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, với những khó khăn bước đầu, cuối cùng, 10 sào dưa nguyên liệu của gia đình bà cũng phát triển tốt và cho quả đều, mỗi vụ cho thu hoạch gần 5 tấn (mỗi năm 2 vụ), đủ làm nguyên liệu để sản xuất 110 vại dưa muối và trên 3 tạ dưa phơi khô.
Với sự cầu kỳ trong các khâu sản xuất, cho ra sản phẩm đậm đà hương vị quê và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dưa muối của bà Thắm đã làm nên thương hiệu, được khách hàng trong và ngoài xã Kỳ Tiến tìm đến. Khách không chỉ mua để dùng trong bữa ăn theo nhiều cách như: cắt nhỏ độn với lạc, lá chanh ăn ngay, chế biến và nấu canh, nấu kèm với các loại thực phẩm... mà còn làm quà biếu gửi đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Để có sản phẩm ưng ý, ngay từ quả dưa nguyên liệu cũng phải lựa chọn đảm bảo to đều và không có thuốc bảo vệ thực vật
Nói về bí quyết làm nên chất lượng sản phẩm của mình, bà Thắm cho biết, làm dưa muối không khó nhưng cần phải dày công và tỉ mẩn trong các khâu sản xuất. Ngay từ việc trồng và chăm sóc dưa nguyên liệu cũng phải đảm bảo quả nhiều, đều và đặc biệt không phun thuốc bảo vệ thực vật.
Muối trắng sạch, tinh khiết
Quá trình muối dưa, trước hết đòi hỏi nguồn muối phải là muối cũ và tuyệt đối trắng sạch; tỷ lệ muối và dưa nguyên liệu phải hợp lý. Các loại dụng cụ muối dưa như: vại sành, đá dằn dưa cũng phải lựa chọn kỹ… Nếu một trong những yếu tố nêu trên không đảm bảo thì sản phẩm cuối cùng sẽ không thơm ngon, không cất trữ được lâu, thậm chí dễ bị úng, thối, hư hỏng.
Bà Thắm chia sẻ: “Sản xuất ra sản phẩm hàng hóa sử dụng trong bữa ăn, muốn để duy trì và phát triển nghề, để khách hàng không quay lưng thì không chỉ phải có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon mà tôi luôn xác định cái quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm; phải coi sản phẩm đưa đến tay khách hàng cũng chính là sản phẩm trong bữa ăn của gia đình mình”.
Đá dằn dưa cũng phải lựa chọn kỹ từ loại đá xanh và có trọng lượng vừa phải, to đều
Với trên 10 tấn dưa tươi được sử dụng làm nguyên liệu, gia đình bà Thắm thu trên 100 triệu đồng/năm riêng từ sản phẩm dưa muối. Một số thời điểm trong năm, sản phẩm vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu sử dụng của khách hàng. Nghề muối dưa đã mang lại thu nhập bền vững cho trang trại đa cây con của gia đình bà Thắm với tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Thường xuyên có trên 100 vại dưa muối nhưng sản phẩm này của bà Thắm hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng gần xa
Dự định của bà Thắm trong thời gian tới là sẽ xây dựng nhà sản xuất và cất trữ sản phẩm chuyên biệt, đồng thời mở rộng diện tích trồng dưa và thuê nhân công để mở rộng quy mô sản xuất; hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm.