Du xuân qua miền di sản núi Hồng, sông La

(Baohatinh.vn) - Khi mưa xuân phả vào không gian làm dậy lên những lộc non, chồi biếc trên mỗi miền quê Hà Tĩnh, du khách muôn phương lại chộn rộn, đợi chờ lễ hội dập dìu cùng những chuyến đi để hòa vào cỏ cây, sông núi tìm sự thư thái, yên vui.

Chùa Hương Tích (Can Lộc, Hà Tĩnh). Ảnh: Đình Nhất

Trải nghiệm không gian xưa cùng các lễ hội

Sở hữu hàng trăm di tích nổi tiếng, linh thiêng đã được xếp hạng và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, Hà Tĩnh là địa chỉ hấp dẫn cho du khách tìm về dịp đầu năm mới. Trong đó, rất nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa đã trở thành điểm đến thường kỳ như: chùa Hương Tích, đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...

Được xây dựng từ thế kỷ XIII, đời nhà Trần, chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh một trong những ngọn cao nhất của núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc (Can Lộc). Chùa được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - cảnh đẹp nhất xứ Hoan Châu. Chùa Hương Tích mở hội từ ngày mùng 6 tháng Giêng kéo dài đến hết mùa xuân hằng năm. Đến với lễ hội đầu xuân, du khách sẽ được chứng kiến những nghi lễ thiêng liêng như: lễ cầu quốc thái dân an; tưởng nhớ tiền nhân qua màn diễn tích Quan âm Diệu Thiện; được hòa trong không khí sôi nổi của các trò chơi dân gian như: đấu vật Thuần Thiện, cờ người, các giải đấu thể thao hiện đại...

Du khách tham quan chùa Hương Tích dịp đầu năm 2024.

Nằm ở cửa biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải) cũng là một địa chỉ nổi tiếng, hấp dẫn du khách thập phương. Đền được xây dựng vào thế kỷ XIV, gắn với câu chuyện quý phi Bích Châu - vợ vua Trần Duệ Tông (1336-1377).

Bà nổi tiếng là người có nhan sắc lại văn võ song toàn, đã thảo bản “Kê minh thập sách”, nêu 10 kế sách trị nước, an dân dâng lên nhà vua. Năm 1377, bà cùng vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trong cơn binh đao, quân nhà Trần thất thế, bà hiên ngang cưỡi ngựa ra trận như một dũng tướng, không may bởi lực địch quá mạnh, bà đã bị thương và mất ngày 11/2/1377 (Đinh Tỵ). Linh cữu quý phi Bích Châu được an táng tại cửa biển xã Kỳ Ninh và được Nhân dân lập miếu thờ.

Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) sẵn sàng đón khách du xuân dịp tết Giáp Thìn.

Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của quý phi, vào ngày giỗ của bà (12/2 âm lịch), người dân thường dâng bánh chưng thờ. Về sau, tục dâng bánh chưng thờ ngày giỗ được xây dựng thành Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Lễ hội được tổ chức vào ngày 11, 12/2 âm lịch hằng năm, gồm lễ tế giỗ Chế Thắng phu nhân với nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian. Từ hàng chục năm nay, lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Khu di tích Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn). Ảnh Nguyễn Thanh Hải

Trong những chuyến du xuân đầu năm của người Hà Tĩnh, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn) là địa chỉ không thể thiếu. Đặc biệt, trong mùa xuân này, cảnh sắc nơi đây như trở nên tươi vui hơn khi đại danh y của dân tộc vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, ông đã sưu tầm và phát hiện hơn 300 vị thuốc nam, tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân... Cuộc đời ông là tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho người đời sau noi theo.

Hội thi đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thuộc Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh tư liệu

Du xuân ở Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng mà còn nhận về những cảm giác thanh tịnh, bình yên trong tiếng chuông chùa bên dòng Ngàn Phố, trong hương thơm của vườn dược liệu tại khu đền thờ... Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức vào ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm ngày giỗ của đại danh y.

Lễ hội có lịch sử hàng trăm năm, được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Du xuân trên miền di sản này là dịp để du khách hiểu sâu hơn về cuộc đời và những cống hiến của đại danh y. Đây cũng là dịp để người dân cầu sự bình an, sức khỏe, may mắn, đồng thời hòa mình vào không khí náo nức của mùa xuân qua các hoạt động như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, hội thi diều Hải Thượng, kéo co, đẩy gậy...

Lễ hội cầu Ngư làng Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân). Ảnh tư liệu

Vào dịp đầu xuân, du khách đến với Hà Tĩnh còn có thể khám phá không gian văn hóa độc đáo qua những lễ hội ở các làng chài ven biển. Trong đó, lễ hội cầu ngư với tục lệ thờ cá Ông (cá voi) ở làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, Nghi Xuân) diễn ra vào đầu tháng 2 âm lịch sẽ kể cho du khách nhiều câu chuyện của người dân làng chài qua các nghi lễ độc đáo. Ngoài ra, vào cuối mùa xuân, còn có Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia độc đáo. Lễ hội diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch với nhiều nghi lễ thiêng liêng như: lễ tế, lễ rước ngài cá Ông (cá voi) trên biển và lễ tế tại miếu đường. Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra nhiều hoạt động như: hò chèo cạn, đua thuyền, giải bóng chuyền, kéo co...

Các lễ hội đầu xuân mang nhiều giá trị tích cực của đời sống văn hóa tinh thần, được lưu giữ nhiều đời của người dân Hà Tĩnh. Mùa xuân về với Hà Tĩnh, hòa mình vào các lễ hội vừa linh thiêng vừa náo nức, du khách sẽ tìm được sự an định trong tâm hồn vừa được sống trong không khí rộn ràng của mùa xuân...

Về “miền đất hát”

Nằm giữa núi Hồng - sông Lam, Nghi Xuân là vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa độc đáo với những giá trị hấp dẫn du khách. Không chỉ là quê hương những danh nhân văn hóa nổi tiếng như: Đại thi hào Nguyễn Du (1754-1820), Nguyễn Công Trứ (1778-1858)..., Nghi Xuân còn được ví là “miền đất hát” với nhiều thế hệ ca nương, nghệ nhân thanh sắc tài duyên.

Hồng Sơn liệt chướng, một trong tám cảnh đẹp (bát cảnh) của Nghi Xuân. Ảnh: Đậu Hà

Người Nghi Xuân nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng luôn tự hào về Đại thi hào Nguyễn Du với thi phẩm Truyện Kiều nổi tiếng và không gian văn hóa trong các tác phẩm của ông. Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền) với nhiều hạng mục đã tái hiện sinh động những câu chuyện của người xưa trong tác phẩm của Nguyễn Du.

Hòa vào không gian thiên nhiên tươi đẹp và những di tích cổ xưa, du khách còn có cơ hội khám phá những hiện vật, cổ vật đặc sắc liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du được sưu tầm trong nước và thế giới. Tại đây, du khách cũng có thể thưởng thức những vở diễn trò Kiều do các nghệ nhân ở Nghi Xuân biểu diễn...

Nhóm học sinh hóa thân vào các nhân vật trong Truyện Kiều, du xuân tại Khu di tích Nguyễn Du.

Ghé thăm miền đất Nghi Xuân, du khách còn có thể trải nghiệm không gian văn hóa cổ xưa với chiếu hát ca trù ở đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Mùa xuân, trong khuôn viên ngôi đền hơn 100 năm tuổi, các ca nương, kép đàn của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ sẽ tái hiện một nét sinh hoạt văn hóa của người xưa, trong đó, chính tướng công tài ba Nguyễn Công Trứ là người có nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật này.

Tại đây, khi tham quan khu di tích, du khách cũng sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân đa tài, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Các ca nương kép đàn biểu diễn ca trù phục vụ du khách tại đền thờ Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân).

Du xuân trên miền đất Nghi Xuân, du khách còn có thể thưởng lãm nhiều cảnh sắc tươi đẹp, đi lễ ở những ngôi chùa cổ, trải nghiệm không gian văn hóa trên bến Giang Đình với dịch vụ du thuyền Giang Đình cổ độ... Nếu như các khu, điểm du lịch là nguyên cớ để du khách tìm đến thì lời ca tiếng hát và không gian văn hóa độc đáo của Nghi Xuân lại là yếu tố níu chân du khách, khiến nhiều người mong muốn trở lại, nhất là những dịp đầu xuân.

Những vùng quê non xanh, nước biếc

Hà Tĩnh với địa hình đa dạng, dưới bàn tay, khối óc và khát vọng của con người, còn có những không gian độc đáo, hấp dẫn du khách. Trong đó, đồi chè Sơn Kim 2, suối Nước Sốt Sơn Kim, điểm du lịch cộng đồng bản Phú Lâm, thôn trang Liên Nhật... là những địa điểm mới, thu hút đông đảo du khách.

Đồi chè xã Sơn Kim 2. Ảnh Nguyễn Thanh Hải

Với diện tích khoảng 400 ha, đồi chè Sơn Kim 2 (Hương Sơn) lâu nay đã trở thành sự lựa chọn tham quan của người dân Hà Tĩnh. Mặc dù đây không phải là điểm du lịch nhưng trong không gian khoáng đạt của mùa xuân, với ngút ngát màu xanh, đồi chè cũng là điểm đến độc đáo, nhất là đối với những người mê chụp ảnh. Từ đây, du khách cũng có thể di chuyển lên Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thư giãn trong dòng nước khoáng nóng được khai thác ở độ sâu 100m.

Mùa xuân đến, khi vạn vật sinh sôi, lòng người hân hoan, bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) cũng trở nên rộn ràng với những tập tục sinh hoạt của bà con dân tộc Lào ở đây. Bản Phú Lâm vào mùa xuân cũng là lúc những cánh rừng đại ngàn hoang sơ bừng dậy sức sống, du khách có cơ hội khám phá vẻ đẹp hùng vỹ của thác Tiên, vực Tùng, trải nghiệm bãi tắm cầu Cây Trồ và Cả Queo; tham quan khu dân cư NTM kiểu mẫu Phú Lâm; được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của bà con thôn bản và dân tộc Lào, trải nghiệm các tập tục người Lào tại nhà sàn cộng đồng...

Du khách trải nghiệm tour du lịch cộng đồng ở bản Phú Lâm (xã Phú Gia,Hương Khê).

Với những lợi thế về nông nghiệp và du lịch, mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” tại cánh đồng gần 5 ha ở thôn Liên Nhật (xã Thạch Hạ,TP Hà Tĩnh) đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Với không gian mở, mô hình được xây dựng theo lối kiến trúc dãy nhà hàng bằng tre, nứa nằm giữa hệ thống sinh thái ao hồ, ruộng lúa, đồng hoa sen, hoa súng...

Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức ẩm thực đặc sắc như: cá rô đồng, tôm càng xanh, gà thả vườn... mà còn được đắm chìm trong không gian đồng nội với những dịch vụ: câu cá, thu hoạch tôm càng xanh hay “check-in” ở cánh đồng hoa rực rỡ...

Du khách check in ở KDL sinh thái Đá Bạc Eco (xã Nam Điền,Thạch Hà) dịp đầu năm 2024.

Xuân mới đang về trên những miền di sản văn hóa, quê hương của truyền thống hiếu học, nhiều danh nhân kiệt xuất cùng những điểm đến sơn thủy hữu tình. Tham gia những lễ hội văn hóa tâm linh, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, náo nức lòng người, mỗi du khách sẽ có thêm những niềm vui mới để khởi đầu một năm mới may mắn, thành công.

Cùng với tiềm năng sẵn có, Hà Tĩnh đang không ngừng kiến tạo, kết nối để mang đến cho du khách gần xa những sản phẩm du lịch đậm tình đất, tình người miền “địa linh, nhân kiệt”...

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói